Đây là nhận định mà Giáo sư G. Jayachandra Reddy – cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara (Ấn Độ), đưa ra khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
Trong số những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đạt được, Giáo sư G. Jayachandra Reddy ấn tượng nhất với những tiến bộ vượt bậc trong công cuộc xây dựng đất nước, quản trị, kinh tế, quan hệ đối ngoại, y tế và giáo dục. Trong công cuộc xây dựng đất nước, theo Giáo sư G. Jayachandra Reddy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách thực dân và giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm chống giặc ngoại xâm. Kể từ khi đất nước thống nhất, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Trên thực tế, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức từ bên trong và bên ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước. Giáo sư nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng một hệ thống tư tưởng toàn diện, với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng định hướng hoạt động, phát huy truyền thống. Nắm bắt quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tế đất nước, Đảng đã xây dựng cương lĩnh chính trị, chính sách cách mạng đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Giáo sư G. Jayachandra Reddy cho rằng về quản trị, hệ thống chính trị vững mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu của đất nước mà không đi chệch khỏi cốt lõi của hệ tư tưởng chính trị. Chính phủ cũng đổi mới phương thức điều hành bằng cách thống nhất quản lý vĩ mô các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên phạm vi cả nước thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, hoạch định và các công cụ quản lý vĩ mô khác đồng bộ.
Về kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là định hình nền kinh tế quốc gia, giao cho chính phủ nhiệm vụ chính là giúp đất nước đạt được sự tự chủ về lương thực và đã gặt hái được những thành quả phù hợp với nhu cầu nông nghiệp của đất nước. Khi kinh tế toàn cầu khó khăn, giảm tốc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam nằm trong số ít những trường hợp ngoại lệ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6-7% và nổi lên là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á. Hơn nữa, khả năng cạnh tranh kinh tế đã được nâng lên một mức độ cao hơn.
Về quan hệ ngoại giao, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động và chú trọng thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, thiết lập cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Những nỗ lực như vậy đã đưa Việt Nam từ một quốc gia bị cô lập và gặp nhiều khó khăn trở thành một quốc gia được nhiều đối tác phát triển và toàn cầu mong muốn hợp tác. Hiện nay, Việt Nam đã nổi lên là đối tác quan trọng tại nhiều khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung trong thúc đẩy hòa bình và hội nhập, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và các đối tác của ASEAN, đồng thời tham gia tích cực trong các nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Bên cạnh hội nhập kinh tế, hội nhập về chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội cũng được Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo Giáo sư G. Jayachandra Reddy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong những thập niên qua. Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng và cần có lực đẩy lớn hơn để tiếp tục quỹ đạo đi lên. Ông tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những thách thức trong nước, khu vực và quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, với sự chủ động và toàn diện hơn.