Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đề nghị các tỉnh, thành khu vực phía Bắc cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội tại địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng...; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện phải đảm bảo đúng trình tự, quy định, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, các địa phương và cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, không để phát sinh vụ việc mới, vụ việc phức tạp, kéo dài; một số địa phương hiện đang còn những vụ việc kéo dài cần tập trung giải quyết dứt điểm.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu ngành Thanh tra chủ động theo dõi, đôn đốc các địa phương giải quyết các vụ việc; làm tốt công tác thanh, kiểm tra thường xuyên; đẩy mạnh phối hợp với Ban tiếp công dân và cơ quan chức năng trong tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra…
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài tại các địa phương trong cả nước hiện vẫn còn nhiều phức tạp, phần nào gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương khu vực phía Bắc đã tiếp gần 39.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Các địa phương cũng đã tiếp nhận trên 50.800 đơn thư, trong đó có gần 14.500 đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các trụ sở cơ quan.
Đánh giá chung của Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân các địa phương khu vực phía Bắc tuy có chiều hướng giảm so với các năm trước cả về số lượng và số vụ việc nhưng tính chất vẫn còn phức tạp.
Đa số các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp tại các địa phương thời gian qua là các vụ việc cũ để lại, đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn khiếu kiện với thái độ gay gắt, bức xúc, ít nhiều đã ảnh hưởng tới tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo rà soát của Tổng Thanh tra Chính phủ, ở các địa phương khu vực này còn 191 vụ việc khiếu nại, tồn đọng phức tạp kéo dài; đến nay, các địa phương đã xem xét, giải quyết được 181/191 vụ, đạt tỷ lệ 94,7%...
Các đại biểu dự hội nghị cũng nghe nhiều tham luận của đại diện các địa phương khu vực phía Bắc đề cập về những kết quả về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và giải pháp để làm tốt nhiệm vụ này; đồng thời đóng góp ý kiến vào chương trình thanh tra năm 2018.
Với tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 dự án cần giải phóng mặt bằng ảnh hưởng khoảng trên 5.000 hộ dân liên quan. Trong giải phóng mặt bằng, Quảng Ninh luôn quan tâm, đảm bảo quyền lợi cho công dân.
Vào các ngày 1 và 15 hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các ngành trực tiếp tiếp dân và giải quyết từng vụ việc của người dân. Ở̉ các địa bàn trọng điểm, tỉnh dành thời gian đối thoại trực tiếp với công dân để giải quyết những kiến nghị, nhờ đó cơ bản tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là giải quyết đến cùng, dứt điểm từng vụ việc, hạn chế tối đa phát sinh vụ việc mới, không để khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Tỉnh cũng xác định làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, nhất là về quản lý đất đai, chủ động mời kiểm toán Nhà nước hoặc ngành thanh tra vào thanh, kiểm tra từng dự án liên quan để đảm bảo việc triển khai các dự án, nhất là những dự án trọng điểm được thực hiện nghiêm túc, đúng luật, không để xảy ra sai phạm gây bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo.