Giải quyết vướng mắc để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Ngày 8/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ ngành Trung ương để nghe báo cáo việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2014 và đề xuất chính sách giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030.

 

Nhiều chính sách còn chồng chéo


Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2006 - 2014 có 130 chính sách được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi, trong đó UBDT quản lý 9 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước bằng việc ban hành những chính sách riêng phù hợp với địa bàn.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cán bộ, nhân viên Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Thông qua hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực, diện mạo nông thôn vùng dân tộc, miền núi đã thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội có bước phát triển; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.


Tuy nhiên, qua rà soát, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi vẫn rất khó khăn, hiện còn 2.068 xã và trên 18.000 thôn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%, có dân tộc hộ nghèo chiếm gần 90%. Trong khi đó, một số chính sách đầu tư, hỗ trợ đã hết hiệu lực; một số chính sách không phù hợp với thực tiễn; một số chính sách đang thực hiện nhưng nguồn lực bố trí không đủ, không kịp thời...


Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cấp đủ kinh phí để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc, miền núi; cho phép thực hiện Chương trình 135 năm 2014 và 2015 với cơ chế đặc thù. Đối với các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý đến hết năm 2015 hết hiệu lực, Ủy ban Dân tộc đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thực hiện đến năm 2020 hoặc tổng hợp thành một chính sách được tiếp tục thực hiện từ năm 2016 đến khi hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện công tác dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030, Ủy ban Dân tộc đề nghị Thủ tướng cho phép được xây dựng chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù từng vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); thống nhất đầu mối theo dõi quản lý chỉ đạo một số chính sách còn chồng chéo trên địa bàn dân tộc, miền núi như Chương trình 30a với Chương trình 135 thành chương trình có mục tiêu và giao UBDT làm đầu mối quản lý, theo dõi thực hiện…


Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng thống nhất kết quả rà soát chính sách dân tộc của Ủy ban Dân tộc. Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận thấy, việc tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững cho vùng dân tộc, miền núi là vấn đề cần tập trung giải quyết. Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo đã được triển khai, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Do vậy, trong những năm tiếp theo, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng được một khung chính sách dân tộc phù hợp hơn, hiệu quả hơn.


Sẽ bố trí tối đa nguồn lực


Tại buổi làm việc đại diện các bộ, ngành đánh giá: Thời gian qua, việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được kết quả cao, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Đồng thời, sự đồng tình, ủng hộ và nỗ lực tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần làm nên thành công của chính sách.


Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Để tăng khả năng cạnh tranh ở vùng dân tộc, miền núi thì Nhà nước cần tăng cường đầu tư; Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc bàn giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu; khảo sát nguồn nước sinh hoạt và sản xuất ở vùng dân tộc, miền núi để xây dựng các chương trình, dự án phù hợp; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cũng như các nhu cầu an sinh xã hội khác của đồng bào...


Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Báo cáo về tình hình vùng dân tộc thiểu số và một số vấn đề thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Báo cáo rà soát chính sách dân tộc hiện hành và đề xuất chính sách giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Dân tộc. Hai báo cáo đã đánh giá tổng thể, khái quát những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhưng giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới...


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là vấn đề chiến lược, cơ bản không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kết quả đạt được của chính sách dân tộc sẽ quyết định sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước; thể hiện tính ưu việt của chế độ ta... Do vậy, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả, từ cương lĩnh, Hiến pháp đến các luật, các chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc... Nhờ đó, chính sách dân tộc đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với đồng bào dân tộc nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung...


Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, hiện nay có quá nhiều chính sách được ban hành nhưng chồng chéo; nhiều chính sách ban hành thiếu tính khả thi; cơ chế phối hợp chưa tốt; bố trí nguồn lực chưa tương xứng, sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả; kiểm tra đôn đốc thực hiện chính sách dân tộc chưa sát... Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc rà soát, đánh giá lại các chính sách dân tộc đã triển khai; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý để làm tốt hơn, hiệu quả hơn chính sách dân tộc thời gian tới.


Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan chăm lo tốt hơn nữa đời sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chú trọng công tác đào tạo cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc; đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với đặc thù từng vùng, miền... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán lại, bố trí tối đa nguồn lực để triển khai hiệu quả chính sách dân tộc thời gian tới...


Trọng Thủy - Khiếu Tư

Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử chủ trì hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN