Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết

Cử tri chưa thực sự yên tâm trước những vụ việc khiếu nại kéo dài chưa giải quyết dứt điểm, trong khi một số cơ quan chức năng có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm.

Chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017. Theo dõi phiên họp qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp, cử tri tại Cà Mau, Sơn La và Hà Tĩnh đánh giá cao sự thảo luận thẳng thắn của các đại biểu mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong khi các giải pháp cho công tác này còn chung chung, kéo dài qua nhiều năm.

Khiếu kiện đông người kéo dài

Cử tri Võ Văn Xuyên, nguyên Phó Ban Bảo vệ chính trị nội bộ tỉnh Cà Mau (phường 5, thành phố Cà Mau) đề cao không khí làm việc nghiêm túc, tích cực của các đại biểu trong kỳ họp và đồng thuận cao với các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017. Đây là lần đầu tiên tường thuật trực tiếp thảo luận về nội dung này - đây là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một nền hành chính minh bạch, từ đó, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân.

Theo cử tri, các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài vẫn còn cao do vướng mắc chính ở cơ chế tuyên truyền giải thích các chính sách pháp luật cho người dân thời gian qua vẫn còn hạn chế. Đơn cử như việc người dân khiếu kiện cơ quan thẩm quyền sở tại, nhưng những đơn thư này lại chính cơ quan bị khiếu kiện thụ lý nên việc khiếu kiện không thể xử lý hiệu quả, dẫn đến kéo dài và buộc người dân phải khiếu kiện vượt cấp. Tuy nhiên, công tác tiếp công dân khiếu kiện vượt cấp chưa thấu tình đạt lý, khiến người dân mất lòng tin. Quốc hội cần chú ý để có cơ chế thích hợp giải quyết khiếu kiện một cách hiệu quả, điều này, vừa tránh được tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài gây mất an ninh trật tự lại vừa hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Cử tri Hồ Chí Thanh, nguyên Chủ tịch Mặt trận thành phố Cà Mau (phường 8, thành phố Cà Mau) hoan nghênh các nội dung trong phiên họp, bởi đây là những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, gắn liền với quyền lợi của người dân mà còn khẳng định lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Về công tác tư pháp, cử tri Hồ Chí Thanh đồng quan điểm với các đại biểu khi bày tỏ chưa thực sự yên tâm trước những vụ việc khiếu nại kéo dài chưa giải quyết dứt điểm trong khi một số cơ quan chức năng có biểu hiện đùn đẩy trong giải quyết. Nguyên nhân chính là do bộ máy trong công tác tổ chức cán bộ còn cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách vẫn chưa nhất quán nên thực thi pháp luật không nghiêm minh, dễ gây mất lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt, cử tri đồng thuận cao với nhận định của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận khi năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai và Cà Mau cũng không ngoại lệ.

Đáng chú ý là các phát biểu của những đại biểu trẻ trong kỳ họp Quốc hội đã nói lên những điều người dân mong muốn, có thể nói đây là những nhân tố "tích cực" làm cho cá nhân tôi thêm tin tưởng những nội dung tại kỳ họp lần này sẽ được triển khai bằng các chính sách thực tế để tạo sự chuyển biến chứ không chỉ lý thuyết.

Nhiều khiếm khuyết

Cử tri Lò An Vinh, 74 tuổi, ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La - nguyên cán bộ tư pháp thành phố Sơn La đánh giá cao sự cần thiết của buổi tường thuật trực tiếp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017. Theo cử tri, đây là một trong những nội dung "nóng" và bức xúc của cử tri cả nước nói chung, thành phố Sơn La nói riêng những năm qua. Phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, kỷ cương, trách nhiệm. Các đại biểu phát biểu rất tích cực, nội dung đúng trọng tâm, sâu sắc, cụ thể, hợp với ý nguyện của cử tri.

Đánh giá về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm qua, cử tri Lò An Vinh cho rằng: Những năm qua, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được sửa đổi bổ sung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã và đang có nhiều tiến bộ so với trước; nhiều vụ việc đã được giải quyết; một số vụ án oan sai đã được minh oan; đã có nhiều đơn tố cáo đúng việc, đúng tội. Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cử tri chưa yên tâm tin cậy. Đó là án oan sai vẫn còn tái diễn nhiều vụ; đơn tố cáo vẫn chưa giảm, tồn đọng quá hạn và quá hiệu lực. Công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo về đất đai vẫn còn chưa thỏa đáng. Công tác giải quyết, thụ lý đơn của cử tri còn bị cơ quan chức năng đùn đẩy "lên, xuống" vô lý, khiến công dân phải đi lại nhiều.

Cử tri Lò An Vinh kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi một số của điều trong các luật liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không phù hợp hiện nay; xử lý nghiêm số cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo có vi phạm...

Tồn tại, hạn chế trong thi hành án


Ông Nguyễn Văn Cường, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Hà Tĩnh cho rằng: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện tốt nhưng đơn thư, khiếu nại số lượng người tập trung đông diễn ra phức tạp nhiều nơi. Công tác thi hành án còn có những vướng mắc, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, nhiều trường hợp cố ý chây ỳ, không chịu thi hành.

Theo ông Cường, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp tương đối tốt nhưng vẫn có đơn, thư nhiều. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội có phiên họp riêng về chuyên đề giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác thi hành án - đây là sự đổi mới, tiến bộ của Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu thể hiện sự rất tâm huyết, có trách nhiệm và khai thác nhiều khía cạnh về tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật.

Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tại Hà Tĩnh thời gian qua tương đối tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển năm 2016 nên việc người dân tụ tập đông người khiếu kiện, khiếu nại trong chi trả đền bù hỗ trợ sự cố môi trường gây mất an ninh trật tự diễn ra khá phức tạp và kéo dài.

Đối với công tác thi hành án, thực tế cho thấy trong quá trình điều tra, xét xử các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc truy tìm, chưa kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của đương sự để đảm bảo thi hành án hiệu quả. Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, cá nhân phần lớn sử dụng tiền mặt làm cho việc xác minh, nắm bắt thông tin và xử lý tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã thi hành xong 3.636 việc, đạt tỷ lệ 91,4%; so với chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án giao vượt 17,4% (chỉ tiêu giao 74%); so với năm 2016, tăng 267 việc (7,9%) và tăng 2,2% về tỉ lệ. Tổng số tiền phải thi hành trên 457 tỷ đồng, trong đó, số tiền có điều kiện thi hành 98 tỷ đồng, số tiền chưa có điều kiện thi hành trên 352 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 78,21%). Nguyên nhân tỷ lệ tiền không có điều kiện thi hành án cao là do các vụ việc liên quan đến Ngân hàng sau khi đã kê biên bán toàn bộ tài sản thế chấp nhưng giá trị thu về thấp so với lúc cho vay. Các đơn vị thi hành án thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ thi hành án, nhất là kho vật chứng. Một số đơn vị thuộc địa bàn miền núi, giao thông khó khăn chưa có ô tô phục vụ công tác cưỡng chế thi hành án.

Nhóm phóng viên TTXVN tại các địa phương
Giải quyết khiếu nại, tố cáo không để phát sinh điểm nóng
Giải quyết khiếu nại, tố cáo không để phát sinh điểm nóng

Năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, tuy nhiên số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN