Nói chuyện về chuyên đề: "Tình hình lao động, việc làm trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, dịch COVID -19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Việc tăng trưởng GDP thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng... trong những tháng đầu năm 2020 đã tác động rất mạnh đến thị trường lao động Việt Nam, nhiều thông số thị trường lao động Việt Nam ghi nhận sự giảm sâu kỷ lục từ trước đến nay.
Thứ trưởng cho biết, tính đến hết quý II tại Việt Nam đã giảm 2,4 triệu việc làm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Lao động có việc làm trong quý II/2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động, cho thấy dịch COVID-19 đã làm đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động, đặc biệt trong tháng 4/2020, khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng triệt để. Lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp khó khăn về việc làm, sức khỏe, y tế và vấn đề đi lại, bao gồm cả xuất cảnh và quay trở lại Việt Nam...
Tác động của dịch COVID-19 khiến thu nhập của người lao động giảm sâu. Theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 17,6 triệu lao động bị giảm thu nhập; thu nhập bình quân của lao động quý II/2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý I và giảm 279 nghìn đồng (5,1%) so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay và những kịch bản dự báo thời gian tới về diễn biến của dịch, của tình hình kinh tế - xã hội và thị trường lao động, các nhiệm vụ và giải pháp cần được xây dựng trên nguyên tắc sẵn sàng "sống chung với dịch". Các nhiệm vụ, giải pháp cho hiện tại và tới cuối năm phải theo hướng bền vững hơn, vừa hỗ trợ cho các đối tượng nhằm vượt qua khó khăn hiện tại, vừa tạo tiền đề vững chắc cho phát triển sản xuất, kinh doanh trong dài hạn. Giải pháp về lao động, việc làm và an sinh xã hội được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn và nhóm giải pháp dài hạn. Cả 2 nhóm này cần được triển khai song song. Trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ sửa Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo hướng mở rộng thêm các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thực, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; điều chỉnh giảm bớt điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp đề xuất sửa đổi điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người sử dụng lao động...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chú trọng tới việc hỗ trợ công nhân, người lao động có tay nghề thấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chú trọng các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình và các cơ sở sản xuất nhỏ; đề xuất cho vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm. Về dài hạn, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần ngăn chặn, giải quyết các vấn đề bất bình đẳng xã hội có thể phát sinh hoặc bị trầm trọng hóa do dịch COVID-19. Để làm được điều này, cần phát huy cao độ, hỗ trợ hệ thống an sinh xã hội hoạt động mạnh hơn nữa như hệ thống y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, chính sách với hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường sử dụng công nghệ số qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ số và tăng cường cung cấp các dịch vụ qua công nghệ số đến người dân và doanh nghiệp; quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc, có cơ chế khuyến khích dịch chuyển cung cầu lao động khai thông thị trường, linh động hỗ trợ các địa bàn thị trường yếu kém...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày chuyên đề "Tình hình thiên tai trên thế giới và trong nước thời gian qua, tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai".