Dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, Hội nghị nhằm tập hợp và phát triển trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045; góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 6 hội nghị tại 6 Cụm thi đua để đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII.
Theo ông Thào Xuân Sùng, các Văn kiện đã bám chắc Cương lĩnh chính trị, đường lối đổi mới của Đảng (phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, tăng cường quốc phòng an ninh là cấp bách, trọng yếu, thường xuyên phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình đổi mới), chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau...
Các đại biểu đã tập trung tham gia góp ý, làm rõ thêm vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những thành tựu và tồn tại, hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích các giải pháp để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, vai trò trung tâm nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Mùa A Trừ, người bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đều đã cao tuổi, không còn nhiều. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ông Mùa A Trừ cho rằng, cần quan tâm tới đối tượng người trẻ ở thôn bản tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc lâu đời và phụ nữ thôn bản là người hằng ngày gìn giữ văn hóa các dân tộc.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Lai Châu có trên 200 nhà máy thủy điện tác động đến kết cấu địa hình, khí hậu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Mùa A Trừ mong muốn Văn kiện cần bổ sung đánh giá tác động môi trường liên quan đến việc xây dựng các nhà máy thủy điện, coi trọng vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ 19/5 (Mộc Châu, Sơn La) cho rằng, phong trào trồng rừng năm nào cũng phát động, triển khai nhưng hiệu quả chưa như ý. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần chú trọng đến giống trồng rừng để bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng, chống tình trạng phá rừng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, chất lượng lao động nông thôn còn thấp, nên đưa cán bộ nông nghiệp xuống tận ruộng, vườn hướng dẫn người dân thay vì mở các lớp đào tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị các dự thảo Văn kiện có đổi mới, song cần dựa trên các nguyên tắc và đảm bảo phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe, thống nhất giữa Đảng và nhân dân.
"Đây là Báo cáo Chính trị của Đảng nhưng phải được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong quá trình đóng góp, từ nội dung đánh giá đến phương hướng sắp tới. Vì vậy quá trình lấy ý kiến nhân dân rất quan trọng.", Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo báo cáo, nhất là Báo cáo Chính trị, cho rằng các dự thảo đã được chuẩn bị công phu, có những vấn đề mới, đáp ứng cơ bản yêu cầu chất lượng trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bà Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào Văn kiện Đại hội Đảng sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, chuyển cho Tiểu ban Văn kiện để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.