Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX đối với ông Hồ Đại Dũng và nhất trí thông qua Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Quang Lâm - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Tân Sơn theo nguyện vọng cá nhân và gia đình.
Khai thác khoáng sản trái phép đang nhức nhối
Kỳ họp lần này, các đại biểu đã dành nhiều thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ những vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm, kiến nghị. Trong đó, nhiều đại biểu phản ánh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình khai thác khoáng sản trái phép đang là một trong những vấn đề nhức nhối, ngày càng tăng. Nhiều cá nhân đã lợi dụng hoạt động khai thác khoáng sản, hạ cốt nền để trục lợi. Cùng với đó là nhiều mỏ chưa thực hiện việc lập, trình duyệt đề án đóng cửa mỏ.
Đáng chú ý, Nhà máy xử lý rác thải và phát điện Trạm Thản gần 10 năm vẫn chưa được đưa vào hoạt động và vấn đề này cử tri đã chất vấn tại nhiều kỳ họp trước. Trên địa bàn còn xuất hiện một số tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình hội thảo, giới thiệu sản phẩm, tập trung vào các đối tượng người dân khu vực nông thôn, người cao tuổi - hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, dễ bị thuyết phục để giới thiệu và tổ chức bán hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Ngay tại kỳ họp, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp đã dành nhiều thời gian trả lời những ý kiến chất vấn của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra xử lý những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chủ tọa cho rằng, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là trách nhiệm của cơ sở, cụ thể là UBND xã, huyện. Do đó, cấp huyện, cấp xã cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát thường xuyên các hoạt động này. Sở Tài Nguyên và Môi trường Phú Thọ cần tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản, hạ cốt nền..., không để cá nhân lợi dụng quyết định, chủ trương của Nhà nước để trục lợi.
Về vấn đề môi trường, ông Bùi Minh Châu yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Công an tỉnh giám sát chặt chẽ đầu vào và đầu ra của rác thải độc hại trên sông Lô, cũng như trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành quy chế về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ khoáng sản và các hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Ông Bùi Minh Châu cũng yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu, sớm trình quy chế, quy định liên quan đến việc phối hợp quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, thực hiện nghiêm túc cam kết trước HĐND và cử tri trong toàn tỉnh; đặc biệt, rà soát việc thực hiện lời hứa, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn. Những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri quan tâm cần xem xét, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không chờ đến khi HĐND tỉnh có ý kiến mới đề xuất trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5% trở lên
Tại kỳ họp, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn đã trình bày Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024. Báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong 6 tháng đầu năm; đồng thời cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và xây dựng kế hoạch 5 năm 2026-2030; triển khai đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, chương trình, kế hoạch của tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, bàn giao mặt bằng, thi công các công trình, dự án trọng điểm. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công…
Với những giải pháp trọng tâm đưa ra, tỉnh Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và trở thành trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc…
Phú Thọ phấn đấu năm 2024 duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5% trở lên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt từ 67 triệu đồng trở lên. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 41,2%; dịch vụ chiếm 40,4%; nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,4%. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 50 nghìn tỷ đồng trở lên. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt từ 6.872 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,6% trở lên. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 94% trở lên. Toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huyện Phù Ninh đạt chuẩn nông thôn mới...
Ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, ngay sau kỳ họp này, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 mà HĐND tỉnh đã thông qua.