Trả lời người dân về việc năm từ đầu năm đến nay thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phát hiện được vụ tham nhũng nào, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thanh tra Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều cuộc thanh tra. Riêng thanh tra Hà Nội, 9 tháng năm 2015 đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra TP Hồ Chí Minh chuyển 4 vụ việc. “Đây là cố gắng của ngành thanh tra hai thành phố. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, chỉ khi nào tòa án phán quyết tội tham nhũng thì mới gọi là tội tham nhũng. Chức năng của ngành thanh tra là chỉ khi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ để truy tố và xét xử. Dù vậy, số vụ việc phát hiện vẫn chưa được nhiều, thời gian tới ngành thanh tra sẽ quyết tâm cao để phát hiện nhiều hơn các vụ việc để chuyển cho cơ quan điều tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, những năm gần đây xuất hiện biểu hiện tham nhũng lợi ích nhóm. Biểu hiện ở việc các nhóm này mặc dù ở các cương vị khác nhau, nhưng câu kết chặt chẽ để lấy tiền, tài sản của Nhà nước; hay ở điều kiện trong một cơ quan, đơn vị cũng xuất hiện một nhóm người sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước không đúng mục đích như lấy phúc lợi của cơ quan, đơn vị chia nhau. Một biểu hiện nữa là trong hoạt động ngân hàng cũng câu kết nhau để vụ lợi, làm thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Tham nhũng theo lợi ích nhóm rất tinh vi, khó phát hiện, gây hậu quả nghiêm trọng; làm vô hiệu hóa thiết chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị; tạo ra lợi ích nhóm từ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để làm lợi cho cá nhân, nhóm của mình. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tham nhũng nói chung, trong đó có tham nhũng lợi ích nhóm.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổ chức minh bạch thế giới đánh giá chỉ số tham nhũng ở nước ta năm 2001 là 25/100 điểm, đến năm 2014 được nâng lên 31/100 điểm. Việc đánh giá chỉ số tham nhũng được dựa vào các yếu tố như: Hoàn thiện thể chế trong Luật Phòng chống tham nhũng; chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và việc đấu tranh, xử lý tham nhũng ở Việt Nam. Quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là dân chủ, công khai minh bạch với người dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng thể hiện trong Hiến pháp, Luật, thông tư, nghị định… Đặc biệt là trách nhiệm giải trình trước người dân trong các cuộc chất vấn trên Quốc hội, tiếp xúc cử tri và trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành thanh tra đã cố gắng hết sức thanh tra để chấn chỉnh các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội cũng như đề xuất các cơ chế chính sách của Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tế và cũng là để hạn chế được tiêu cực, tham nhũng. Cũng trong thời kỳ này, ngành đã thanh tra trên 40.000 cuộc và trên 80.000 cuộc thanh kiểm tra liên ngành. Qua các cuộc thanh, kiểm tra này đã phát hiện trên 212.000 tỷ đồng tiền vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, với 356 đối tượng. Kết quả xử lý sau thanh tra đã thu hối trả lại Nhà nước được trên 50%, riêng năm 2014 thu hồi được trên 69% và năm 2015 là 70%. “Chúng tôi đã đổi mới công tác thanh tra ngay từ khi xây dựng kế hoạch đến tổ chức điều hành và đào tạo cán bộ nâng cao trách nhiệm và chất lượng cán bộ để làm tốt hơn công tác thanh tra vừa đảm bảo là một công cụ của cơ quan quản lý Nhà nước vừa là giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Theo Tổng thanh tra, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII, ngay từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã rất quan tâm phối hợp với các cấp, các ngành để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc của người dân. Đặc biệt là những vụ việc bức xúc kéo dài, đông người. Ngành thanh tra đã tham mưu cho các cấp chính quyền, cũng như phối hợp với các ngành, các cấp giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh mới, đồng thời tích cực triển khai giải quyết các vụ việc còn tồn đọng phức tạp kéo dài để ổn định tình hình trật tự, an ninh xã hội. Hiện nay, mặc dù các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp vẫn còn, nhưng vẫn kiểm soát được tình hình; đảm bảo được yêu cầu hoạt động của đại hội Đảng các cấp cũng như kỳ họp Quốc hội Khóa XIII vừa qua.
Sắp tới, ngành thanh tra sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hội nghị giao ban ở 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ để bàn chủ trương, biện pháp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người; tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để kết quả giải quyết tạo được sự đồng thuận của người dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả để người dân thực hiện được quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khiêu nại, tố cáo cho Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân sắp tới.