Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trịnh Thanh Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre), Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) đã chia sẻ quan điểm về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 28/10.
Các ý kiến cơ bản cho rằng, trong năm 2015, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng và đạt được kết quả trên nhiều mặt công tác.
Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy và đạt những kết quả tích cực, một số vụ án tham nhũng được khởi tố, điều tra qua thông tin do báo chí, người dân cung cấp. Tuy nhiên, trong năm 2015 công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh đó, công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm.
Theo đại biểu, qua nhiều năm với các giải pháp quyết liệt nhưng án tham nhũng khi giải quyết vẫn phát sinh và tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, trước đây chỉ có tham ô công quỹ, gian lận trong việc mua sắm tài sản công; bây giờ tham nhũng còn liên kết đến cả những doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài hay thông qua cả thủ tục môi trường đầu tư… Từ việc nhỏ đến việc lớn, làm cho người dân đang bức xúc.
Thời gian vừa qua, việc phát hiện tham nhũng quá ít mà đa số có sự mâu thuẫn nội bộ, tố cáo lẫn nhau và có sự tích cực của cơ quan truyền thông bằng việc lắng nghe thông tin từ người dân cung cấp đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề trong phòng, chống tham nhũng - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, điều đáng lo lắng nhất hiện nay là việc đấu tranh ở tại chỗ, hiệu lực của hệ thống chính trị, tổ chức… Vấn đề này, hệ thống và cơ chế kiểm sát, cách thức phòng chống cần có sự đổi mới. Những trường hợp đã được đưa ra ánh sáng pháp luật xét xử, việc xử lý cũng kiên quyết, nhưng đáng lo lắng nhất là “nguyên lý của tảng băng trôi” - tức là vẫn những vấn đề mang tính bề mặt. Đấy là điều trong phòng chống tham nhũng phải đánh giá chi tiết và có giải pháp thật cụ thể.
Là người công tác lâu năm trong ngành Tòa án, đại biểu cho biết, thực tiễn ở địa phương án tham nhũng không nhiều, nhưng chuyện tham nhũng được hợp thức qua hợp đồng, hồ sơ, chứng từ…; mà khi đã hợp thức thì sự thật nằm đằng sau những chứng từ đó rất khó phát hiện. “Hiện nay, công tác giám định, trong đó có việc giám định tài chính để giúp phòng chống tham nhũng, đấu tranh và xử lý với tội phạm này, cần phải đầu tư cho công tác này” - đại biểu kiến nghị.
Từ những hạn chế, khó khăn trên, đại biểu Thanh Bình mong rằng có một cơ quan giám định mang tính chuyên nghiệp để phục vụ cho đấu tranh phòng chống tham nhũng và giải quyết các án kinh tế. Đồng thời, khi thấy có dấu hiệu tham nhũng, các cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra cần phối hợp chặt chẽ để làm rõ xem có tham nhũng hay không. Nếu có tham nhũng phải được xử lý bằng pháp luật.
Nhận xét về những giải pháp phòng chống tham nhũng, đại biểu Thanh Bình khẳng định đây là các giải pháp đúng, tuy nhiên không mới. Theo đại biểu, giải pháp phòng chống tham nhũng có mới hay không là ở cách thức thực hiện và thực hiện nghiêm. Những giải pháp nêu trong báo cáo vẫn chỉ mang tính chất chung.
Đại biểu Trần Đình Nhã nhận định: Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ rất đầy đủ. Chính phủ, các cấp, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp về phòng, chống tham nhũng. Mặc dù có biện pháp đạt kết quả tốt; có biện pháp đang tiến hành, chưa cho kết quả, nhưng bước đầu công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được kết quả nhất định. Nhờ đó đã kiềm chế được tham nhũng, mặc dù vấn đề này thực tế vẫn chưa đẩy lùi được và vẫn còn phổ biến. Đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp đồng bộ phòng, chống tham nhũng