Ngày 8/4, mạng tin châu Âu Euro Presse Image đã đăng bài viết về việc Việt Nam được Liên minh Nghị viện thế giới chọn tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) từ ngày 28/3-1/4 tại Hà Nội. Theo tác già bài báo, đây là sự kiện quốc tế lớn mà Việt Nam đăng cai trong năm 2015, thể hiện sự lớn mạnh của đất nước cũng như những bước tiến mới trong việc tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện, quốc hội các nước – điều mà trước đây Việt Nam chưa thực sự chú trọng.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc IPU-132. Ảnh: TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 đã thảo luận và đánh giá về các kết quả thực hiện những Mục tiêu thiên niên kỷ mà các thành viên Liên hiệp quốc cam kết năm 2000 và đề ra chương trình cho giai đoạn phát triển tiếp theo trên phạm vi toàn cầu. Ngoài các vấn đề quan trọng như chiến tranh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền, bài báo nhấn mạnh, nhiều sáng kiến của Việt Nam được bạn bè đánh giá cao và được đưa vào các Nghị quyết quan trọng của Đại hội đồng. Có vấn đề được bàn thảo suốt 3 kỳ họp của Đại hội đồng IPU mà chưa thể thông qua thì đến kỳ họp này đã được thông qua tại Hà Nội. Theo tác giả bài báo, kết quả quan trọng nhất của kỳ họp là việc đưa ra Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện thể hiện tầm nhìn, mục tiêu và những cam kết hành động của các Nghị viện nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của thế giới sau năm 2015. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015 ở New York.
Bài báo cũng dẫn lời ông Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU khẳng định, chủ nhà Việt Nam có vai trò quan trọng trong tất cả các nội dung của Đại hội đồng. Những đóng góp của Việt Nam sẽ là kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của các nghị viện các quốc gia. Ông Chowdhury khẳng định, với phương châm “từ cam kết đến hành động”, Tuyên bố Hà Nội là di sản, đóng góp của Việt Nam cho IPU và cộng đồng quốc tế. Bài báo cho rằng ngoại giao Nghị viện sẽ là hình thức ngoại giao được Việt Nam chú trọng đẩy mạnh thời gian tới và dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Đại hội đồng IPU-132 cũng là bài học lớn cho Quốc hội Việt Nam trong các mặt hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính vì vậy, song song với việc giải quyết những vấn đề trong nước, Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào các vấn đề quốc tế, thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương thông qua các cơ chế của Liên minh liên nghị viện để tìm ra giải pháp.
Tác giả bài báo nhận xét theo các nhà quan sát, sau nhiều năm thực hiện chính sách “Đổi mới”, dường như các kênh ngoại giao của Việt Nam như ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa… vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Và vấn đề ngoại giao nghị viện cũng không phải ngoại lệ. Vậy nên, tổ chức thành công IPU-132 là sự kiện chính trị mang ý nghĩa rất quan trọng đối với ngoại giao Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực lập pháp. Bởi thông qua đó, Việt Nam muốn chứng minh tính đúng đắn trong các quyết sách ngoại giao tích cực và chủ động được đề ra từ Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
TTXVN/Tin tức