Trận động đất mạnh 7,9 độ richter trưa 25/4 đã gây tàn phá nặng nề cho vương quốc Nepal và cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, khoảng 10.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người rơi vào tình cảnh không còn nhà ở. Người Việt Nam, đa phần là khách du lịch tại Nepal cũng bị ảnh hưởng do bị kẹt tại đây sau trận động đất kinh hoàng đó.Phóng viên TTXVN tại New Delhi đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal và Bhutan) Tôn Sinh Thành về tình hình người Việt tại Nepal hiện nay và biện pháp trợ giúp của Đại sứ quán. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
Phóng viên: Thưa Đại sứ, tại Nepal vừa xảy ra trận động đất kinh hoàng, gây thiệt hại nặng về người và của đối với vương quốc này. Xin Đại sứ cho biết tình hình người Việt hiện nay tại Nepal? Đại sứ Tôn Sinh Thành: Tại thời điểm xảy ra động đất có khoảng hơn 60 người Việt Nam đang đi du lịch tại Nepal, nhưng khoảng 22 người đã về nước, hiện còn khoảng 40 người đang bị kẹt ở Nepal. Theo nguồn tin mới nhất, đến ngày hôm qua (29/4) có nhóm 4 người Việt Nam đã rời Nepal bằng đường không. Trong khi đó, một số nhóm đã về được thủ đô Kathmandu; trong khi 2 nhóm gồm 12 người từ các vùng núi đang trên đường về Kathmandu; Đại sứ quán chưa thể xác định rõ một số nhóm đang ở địa điểm nào, trong đó có một nhóm khoảng 10 người, song theo nguồn tin do gia đình họ cung cấp thì họ vẫn an toàn; còn một nhóm nữa chúng tôi chưa liên hệ được và không rõ có an toàn hay không. Có một nhóm duy nhất bị kẹt trên núi gồm 5 người. Nhóm này hiện nay đang di chuyển từ đỉnh Namche cao 3.440 mét xuống đỉnh Phakding và từ đó đi tiếp xuống để chờ trực thăng đến cứu hộ. Đấy là toàn bộ tình hình người Việt Nam bị kẹt tại Nepal sau trận động đất vừa qua mà Đại sứ quán nắm được cho đến nay (ngày 30/4).
P/v TTXVN phỏng vấn ĐS Tôn Sinh Thành. Ảnh: Đăng Chính |
Phóng viên: Đại sứ quán đã có kế hoạch gì để trợ giúp công dân Việt Nam bị kẹt tại Nepal? Có những thông tin không chính thống cho rằng Đại sứ quán chưa nỗ lực trong hoạt động cứu hộ công dân Việt Nam ở Nepal. Ý kiến của Đại sứ như thế nào về luồng thông tin này?Đại sứ Tôn Sinh Thành: Ngay sau khi xảy ra động đất, chúng tôi (Đại sứ quán) đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Tôi đã trực tiếp gọi điện cho ông Vụ trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á. Ông đã cho chúng tôi liên hệ với Trung tâm xử lý khẩn cấp mà Ấn Độ thiết lập để cứu trợ nạn nhân bị động đất ở Nepal và họ hứa cố gắng hết sức để giúp đỡ công dân ta. Chúng tôi đã làm hết sức mình để xác định số lượng người và vị trí của những người Việt Nam bị mắc kẹt tại Nepal, thường xuyên hệ với không chỉ Trung tâm cứu hộ của Ấn Độ tại New Delhi mà liên hệ với cả Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathmandu và phái bộ không quân Ấn Độ-đơn vị trực tiếp cứu nạn cho những khách du lịch bị kẹt trên núi, đồng thời hướng dẫn cho du khách Việt Nam khi xuống được núi thì có thể liên hệ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Nepal để xin trợ giúp hoặc có thể đến địa điểm cứu trợ mà Đại sứ quán đã thiết lập cùng với gia đình một Việt Kiều tại Kathamandu để được trợ giúp.
Các nhóm du khách Việt Nam bị kẹt tại Nepal đang tá túc tại nhà chị Võ Thị Kim Anh (chị Ba) ở Kathmandu. Ảnh: Đăng Chính |
Mới đây Đại sứ quán đã cử hai nhóm cán bộ, gồm một đoàn đi bằng đường không sang trước để lập điểm cứu trợ và một đoàn đi bằng xe buýt mang theo lương thực, thực phẩm để trợ giúp du khách Việt Nam. Như chúng tôi được biết, hiện họ cũng rất thiếu thốn về nước uống và thực phẩm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ những khách nào muốn đi bằng đường không thì về đường không, đặc biệt liên hệ với công ty bảo hiểm AIG và họ đã hứa hỗ trợ cho khách hàng của họ, trong đó có du khách Việt Nam. Những du khách Việt Nam nào muốn đi bằng đường bộ thì Đại sứ quán có xe buýt lớn để chờ họ từ Kathmanđu về New Delhi, rồi từ New Delhi có thể mua vé máy bay thương mại về Việt Nam.
Hiện nay Đại sứ quán đang giành ưu tiên cao nhất để triển khai hoạt động cứu trợ đối với nhóm 5 người bị kẹt trên đỉnh Phakding. Trưởng phái đoàn cứu trợ của Đại sứ quán là Công sứ Trần Quang Tuyến đã làm việc với Đại sứ Ấn Độ tại Nepal. Ông Đại sứ Ấn Độ rất nhiệt tình và hứa sẽ hết sức giúp đỡ. Tuy nhiên, ông đề nghị nhóm 5 người đang bị kẹt ở Phakding tiếp tục di chuyển xuống phía dưới thì mới có địa điểm để trực thăng có thể cứu trợ được. Hiện nay chúng tôi đang cố gắng liên lạc với nhóm đó để khuyên họ tiếp tục di chuyển xuống thêm một quãng nữa để có thể được cứu trợ.
Đại sứ quán đã triển khai các biện pháp cứu trợ quyết liệt ngay từ đầu. Hầu như toàn bộ cán bộ nhân viên Đại sứ quán, tại New Delhi, cũng như nhóm công tác ở Nepal đã tập trung sức lực vào đợt cứu trợ những công dân Việt Nam bị ảnh hưởng động đất tại Nepal. Như các bạn đã biết, chúng ta đang có kỳ nghỉ lễ chào mừng chiến thắng 30/4, nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán vẫn phải làm việc để thực hiện kế hoạch cứu trợ. Kế hoạch đi tham quan cho cán bộ nhân viên và các gia đình Đại sứ quán cũng phải hủy để tập trung cho kế hoạch cứu trợ. Tôi nghĩ rằng Đại sứ quán đã làm hết mình chứ không phải như những thông tin nói rằng Đại sứ quán không quan tâm đến công tác cứu trợ những người Việt Nam ở Nepal.
Phóng viên: Xin cảm ơn Đại sứ!
Minh Lý-Đăng Chính(P/v TTXVN tại Ấn Độ)