Một triệu ha lúa công nghệ cao
Máy bay xịt thuốc trên những cánh đồng lúa trong Đề án 1 triệu hécta lúa công nghệ cao tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Hiện, 12/13 tỉnh, thành phố vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Anh Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Đưng (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) có 4 ha lúa trong số 10 ha lúa thực hiện mô hình điểm Đề án này. Anh Tâm cho biết, vụ Đông Xuân thí điểm vừa qua, năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha.
Sau thời gian canh tác, hiệu quả từ các giải pháp mang lại tích cực, 3 yếu tố là giống, phân và thuốc đều giảm so với canh tác truyền thống. Chi phí giảm từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha. Là người dễ dàng và mong muốn tiếp cận với xu hướng kỹ thuật mới, anh Tâm luôn sẵn sàng thay đổi quan niệm canh tác hướng tới sản xuất xanh, cho năng suất cao. Anh cùng nhiều hộ dân không đốt rơm trên đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn rơm để tụ dưới gốc cây mít, sầu riêng, dùng chế phẩm sinh học phân hủy làm phân cho cây trồng.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã thực hiện mô hình mẫu với diện tích gần 50 ha, đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn của Đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nông dân được tập huấn những kỹ thuật canh tác tiến bộ, áp dụng sạ thưa, bón phân vùi, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật… nhằm giảm chi phí. Ông Trần Tấn Đặng ở xã Láng Biển (huyện Tháp Mười) là một trong số hơn 20 nông dân tham gia thực hiện thí điểm Đề án, phấn khởi cho hay, 2 ha lúa của ông trong khu vực thực hiện Đề án đã thu hoạch, năng suất cao hơn lúc chưa tham gia. Điều ông Đặng tâm đắc nhất mà Đề án mang lại là giảm được lượng lúa giống từ 30 - 40%. Cùng với đó, vật tư nông nghiệp, công lao động cũng giảm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp Trần Thanh Tâm, nông dân tham gia thí điểm Đề án đã áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; cơ giới hóa trong tất cả khâu như làm đất, gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch… Lượng lúa giống giảm xuống chỉ còn 70 kg/ha; giảm sử dụng vật tư nông nghiệp; có liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp.
Sau mùa vụ vừa qua, những nơi đã trồng lúa theo quy trình Đề án tiếp tục thực hiện các vụ tiếp theo. Toàn tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có khoảng 50.000 ha lúa tham gia Đề án, đến năm 2030 nâng lên khoảng 161.000 ha. Long An đặt mục tiêu cuối năm 2025 đạt 60.000 ha và đến năm 2030 sẽ có 125.000 ha lúa trồng theo quy trình Đề án.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Cánh đồng sen tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu trong sản xuất. Tỉnh Đồng Tháp cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Địa phương là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài thế mạnh về cây lúa, cây ăn quả, Đồng Tháp còn trồng sen với diện tích trên 1.800 ha. Sen là một trong các ngành hàng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, trồng nhiều nhất tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tam Nông... Đặc biệt, Tháp Mười có diện tích trồng sen chiếm hơn 30% tổng diện tích trồng sen của tỉnh Đồng Tháp.
Những năm gần đây, huyện Tháp Mười đã triển khai, nhân rộng các mô hình canh tác sen hữu cơ. Đây được xem là một trong những giải pháp sản xuất bền vững cho nông dân. Nông dân có ý thức hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hóa học, thay vào đó là bón các loại phân hữu cơ. Huyện đã quan tâm đến quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen với quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như: công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Hơn (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) đã trồng sen hơn 20 năm qua. Từ năm 2013 đến nay, ông không chỉ bán những sản phẩm từ sen mà còn kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch. Ông Hơn chia sẻ, trước đây, nhận thấy ruộng sen của gia đình và các hộ lân cận ra hoa rất đẹp, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, ông mày mò làm du lịch. Điểm du lịch của ông trồng lúa và sen với diện tích 4 ha. Đến đây, du khách được tham quan, chụp ảnh với ruộng lúa, đồng sen, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, chơi các trò chơi dân gian. Ngoài nguồn thu từ dịch vụ du lịch, ông còn kết hợp bán những sản phẩm từ sen như: trà sen, hạt sen, củ sen, ngó sen… Nhờ đó, trồng sen kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch mang về cho ông thu nhập cao hơn trồng lúa từ 50% trở lên.
Theo định hướng của tỉnh Long An, để việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn hiệu quả và bền vững cần chú trọng gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển hợp tác xã; xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu... Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Hưng Đinh Châu Phong thông tin, chủ trương của Nhà nước chuyển đổi những vùng đất cao, bạc màu, sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng trái cây và các loại hoa màu, một mặt vẫn bảo đảm an ninh lương thực. Huyện đã xác định 4 xã biên giới là Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Trị, Thái Bình Trung và 1 xã nội địa Vĩnh Trị có trồng bưởi, cam sành, dừa, xoài, mít, sầu riêng…
Xã Khánh Hưng giáp biên giới Campuchia nay có những vườn cây sầu riêng bạt ngàn, vườn bưởi mọng nước, trĩu quả. Anh Phan Minh Phú (chủ vườn sầu riêng, bưởi ở xã Khánh Hưng) cho biết, vườn sầu riêng cùng bưởi của gia đình anh rộng 19 ha, được trồng 6 năm, nay bắt đầu cho trái. Ngoài khu vườn này, anh còn có 16 ha sầu riêng và bưởi cũng đang cho trái. “Chi phí trồng cây bưởi và sầu riêng, tính trung bình mỗi ha từ lúc đầu tư đến khi được thu hoạch khoảng 1 tỷ đồng/ha. Bù lại khi có thu hoạch rồi thì đầu ra ổn định, giá cao hơn cây lúa nhiều” - anh Phú tâm sự.
Khắc phục khó khăn để phát triển
Tuyến Quốc lộ 62 hiện đã quá tải do lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao, mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Quốc lộ 62 - tuyến giao thông huyết mạch vùng Đồng Tháp Mười nằm trên địa bàn tỉnh Long An, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thương, đi lại giữa Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đang xuống cấp nhiều đoạn. Hơn nữa, mặt đường hẹp không còn đáp ứng lượng xe đông đúc mỗi ngày, đặc biệt là xe tải lớn chở hàng hóa. Trung ương đã khảo sát và dự kiến đầu tư sửa chữa, nâng cấp mở rộng từ vài năm nay nhưng đến nay chưa thực hiện do chưa bố trí được nguồn vốn. Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã trình Thủ tướng phê duyệt dự án và dự kiến hoàn thành thủ tục trong năm 2025. Dự kiến khởi công đầu năm 2026 và hoàn thiện dự án vào cuối năm 2027.
Trong dự thảo Đề án “Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”, phần giải pháp công trình có ghi: “Xây dựng các cống dọc sông Tiền, sông Hậu để kiểm soát lũ, ngập úng vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên; nạo vét các kênh trục vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên và nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng tăng cường trữ nước phục vụ dân sinh, sản xuất vào mùa khô, kết hợp tiêu thoát lũ vào mùa mưa, hạn chế tác động gây sụt lún, sạt lở bờ kênh/rạch”.
Hiện nay, công tác phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn còn đối mặt với 3 thách thức chủ yếu như: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; gia tăng hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong; sự phát triển đô thị, các hoạt động kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 20 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có lũ vừa đến nhỏ, thời gian từ 3 - 4 tháng so với 5 - 6 tháng như trước đây. Tuy nhiên, ngập úng do triều cường và mưa có xu thế ngày càng gia tăng. Xâm nhập mặn 2 đợt lịch sử là mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 khiến nhiều nơi Đồng Tháp Mười bị ảnh hưởng mà trước đây chưa từng có.
Cùng với đó, tình trạng sạt lở tuyến kênh Dương Văn Dương - con kênh lớn nhất chảy qua địa bàn huyện Tân Thạnh, dài gần xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân...
Bên cạnh những giải pháp chủ động ứng phó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn như: Các cống phục vụ điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức - Thủ Thừa, Thạnh Hóa). Bởi vì hiện nay tại các vị trí đầu kênh tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chưa được đầu tư cống đầu mối để làm nhiệm vụ điều tiết nước ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng lõi của hai sông trước các tác động của nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh, rạch nội đồng. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ đầu tư, xây dựng hồ chứa nước ngọt Thạnh An (huyện Thạnh Hóa); xây dựng hệ thống kiểm soát mặn (cống đập và đê bao) trên sông Vàm Cỏ để chủ động trong việc ngăn mặn xâm nhập từ cửa sông Soài Rạp vào 2 nhánh sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây…