Đồng Tháp Mười - 50 năm tỏa ngát hương sen - Bài 3: Trái ngọt từ sự cần cù của người dân

Nhờ những quyết sách đúng đắn, cải tạo, đầu tư cho giao thông, thủy lợi, lựa chọn canh tác những cây con phù hợp, Đồng Tháp Mười ngày nay phát triển về mọi mặt.

Du lịch đặc trưng 

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Khu Bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Tân Phước là huyện duy nhất của tỉnh Tiền Giang thuộc khu vực Đồng Tháp Mười với đầy đủ những điểm độc đáo của du lịch sinh thái. Đây cũng là khu vực có đa dạng sinh học với nhiều động vật quý hiếm và còn gìn giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng.

Điểm nhấn của du lịch Tân Phước là khu du lịch sinh thái với trung tâm là 100 ha và vùng đệm xung quanh khoảng 1.800 ha rừng tràm ở xã Thạnh Tân. Đây là khu bảo tồn sinh thái ngập phèn độc đáo ở Nam Bộ với những loài động, thực vật đặc hữu như: tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, trăn, rùa, ong mật... phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như tham quan nghỉ dưỡng.

Cùng với đó, Tân Phước có diện tích trồng khóm (thơm) lớn với hơn 15.000 ha, tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là "rốn lũ, rốn phèn". Nơi đây cũng có các làng nghề gắn với những cây trồng của địa phương như: Làng nghề Bàng buông xã Tân Hòa Thành; các cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm. Du khách đến địa phương có thể thưởng thức những quả khóm tươi mọng, ngon ngọt đặc trưng của vùng đất phèn hoặc trải nghiệm làm kẹo khóm, mứt khóm hay tự tay đan cho mình những chiếc giỏ, nón làm từ bàng buông - một loài cây đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Chị Lý Thị Ngọc Hương (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) là chủ cơ sở kẹo khóm Tâm Đức sản xuất 3 sản phẩm sạch từ khóm gồm: kẹo, nước ép và nước màu. Khách du lịch sau khi đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sẽ đến tham quan các khâu chế biến mứt khóm và mua sản phẩm tại cơ sở của chị Hương. Vào dịp lễ Tết, khách du lịch đến tham quan đông đúc, có ngày lên đến hàng trăm lượt người.

Tại Đồng Tháp, huyện Tam Nông từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với Vườn quốc gia Tràm Chim. Nơi đây có hệ sinh thái đất ngập nước mang nét đặc trưng của vùng đất trũng Đồng Tháp Mười. Đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới. Địa phương đã khai thác lợi thế tự nhiên, phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với quản lý, phát triển bền vững.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt và công bố Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 cùng với kế hoạch phát triển rừng bền vững trước đó, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Chú thích ảnh
Trước kia, Vườn Quốc gia Tràm Chim thu hút nhiều sếu đầu đỏ về trú ngụ. Ảnh: TTXVN phát

Tam Nông cũng đang thực hiện Dự án sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Dự án nhằm phát triển một hệ thống vùng sản xuất nông nghiệp sạch, sinh thái, hữu cơ đa canh để tạo sinh cảnh an toàn cho sự sinh sống của sếu; là điểm gắn kết với du lịch sinh thái và tạo ra nông sản hữu cơ an toàn, nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân sinh sống quanh vùng đệm Vườn quốc gia.

Có diện tích sản xuất lúa gần Vườn quốc gia Tràm Chim, ông Nguyễn Văn Mẫn (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) là một trong những nông dân tiên phong sản xuất lúa sinh thái từ vụ Hè Thu năm 2023. Ông Mẫn cho hay, trước đây, ông gieo sạ lúa giống 20 kg/công; đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch. Bây giờ, lượng lúa giống giảm còn 10 kg/công; dùng chế phẩm sinh học và phương pháp cày vùi để xử lý rơm rạ. Hiện, ông canh tác lúa 3 vụ/năm, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm phân, thuốc hóa học và tăng phân hữu cơ.

Từ vụ Hè Thu năm 2023, huyện Tam Nông thực hiện Dự án Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim với quy mô 39 ha và đã có 4 hộ tham gia. Đến nay, Dự án này đã có trên 40 hộ tham gia với diện tích hơn 312 ha.

Đầu tư cho y tế - giáo dục 

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh trường THCS Nguyễn Văn Bộ (Tân Trụ, Long An). Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Trước đây, các huyện, thị xã biên giới Long An còn nhiều khó khăn trong công tác y tế - giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, nơi đây đã có đầy đủ trường lớp cho học sinh; y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ cho người dân.

Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng năm học 2024 - 2025 có hơn 1.000 học sinh với 28 lớp. Tỷ lệ huy động trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Nhà trường luôn chú trọng đổi mới công tác quản lý trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ sáng tạo của giáo viên; xem công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, các cơ quan có liên quan tại địa phương là hoạt động thường xuyên, quan trọng trong thực hiện kế hoạch giáo dục.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng Nguyễn Văn Toàn cho biết, thầy bắt đầu sự nghiệp “trồng người” từ năm 1992. Ban đầu, thầy dạy ở trường Tiểu học Khánh Hưng (xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng). Khi đó trường học còn là vách lá, cây tràm. Một phòng học chia ra lớp sáng và lớp chiều. Hiện nay, tại các trường trong huyện, 100% học sinh được học 2 buổi, mỗi phòng 1 lớp, có phòng bộ môn với đầy đủ thiết bị dạy học, hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp dạy và học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên được trẻ hóa. Tất cả trường trong huyện đều có diện tích lớn và phòng học cấp 4 trở lên, không còn phòng tạm bợ. Chất lượng học sinh được nâng lên... Đó là những thay đổi lớn, rõ rệt mà thầy Nguyễn Văn Toàn nhận thấy trong đổi mới giáo dục vùng biên giới. Thầy Toàn cho biết: “Có được những kết quả đó một phần là do các thế hệ lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, xác định giáo dục là hàng đầu, luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục”.

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng được thành lập năm 1978. Ban đầu, trung tâm chỉ là dãy nhà lá; năm 2006 được đầu tư xây mới; hiện tại, gồm cả 2 khối điều trị và dự phòng. Năm 2024, trung tâm được đầu tư gần 30 tỷ đồng xây mới thêm 30 giường, mở rộng Khoa Dược và Cấp cứu, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng hoạt động với 5 phòng, 13 khoa và 10 trạm y tế xã, thị trấn với 231 cán bộ, viên chức. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y của huyện được đào tạo có chuyên môn, trách nhiệm cao trong khám, chữa bệnh. Cơ sở vật chất trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ cho nhân dân. Đơn vị từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính giúp việc quản lý người bệnh, trả kết quả cận lâm sàng, tổng hợp báo cáo nhanh và chính xác.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Ngọc Yến thông tin, khó khăn nhất hiện tại của đơn vị là thiếu bác sĩ chuyên khoa, nhiều trang thiết bị máy móc đã cũ và hư hỏng chưa mua sắm và sửa chữa kịp thời. Điều này ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2024, trung tâm chỉ tuyển được 1 bác sĩ. Trong năm 2025, đơn vị có đề án tuyển thêm 5 bác sĩ.

Sum suê cây trái

Chú thích ảnh
Thu hoạch dứa ở xã Thạnh Mỹ (Tân Phước). Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Năm 2024, vùng đất phèn Tân Phước (Tiền Giang) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cũng là tròn 30 thành lập huyện. Tân Phước định hình vùng trồng lúa khoảng 6.400 ha với diện tích gieo trồng mỗi năm gần 18.000 ha, cho sản lượng 115.000 tấn/năm; vùng trồng rau màu với diện tích 1.500 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 45.000 tấn; vùng chuyên canh khóm gần 15.400 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 300.000 tấn sản phẩm.

Địa phương có nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như “Vua trồng khóm” Nguyễn Văn Ngự (xã Thạnh Tân). Ông là một trong những nông dân tiên phong khai khẩn vùng đất Tân Phước từ khi mới thành lập. Từ 1,25 ha đất ban đầu, đến nay, gia đình ông Ngự đã mua thêm 3 ha đất nữa. Theo ông Ngự, thời điểm khóm được giá khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg. Với hơn 4 ha khóm vào kỳ thu hoạch, ông có thể thu về gần 1 tỷ đồng.

Điểm nổi bật trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Tân Phước là đã hình thành, phát triển các khu công nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển một cách toàn diện các ngành kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế theo chủ trương, chính sách của Đảng bộ huyện. Huyện đã được phê duyệt quy hoạch 3 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp; trong đó, khu công nghiệp Long Giang có quy mô 540 ha đã đi vào hoạt động, được xem như hình mẫu, đầu tàu thúc đẩy phát huy tiềm năng công nghiệp, thu hút đầu tư tại huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang.

Trước đây, nhắc tới cây ăn trái người ta chỉ nghĩ đến Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… Hiện nay, vùng Đồng Tháp Mười - vùng đất phèn chua của Long An cũng sum suê những vườn mít, bưởi, xoài, sầu riêng...

Bà Trần Thị Kim Chung (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) có 2,8 ha đất trồng sầu riêng. Đến nay, bà đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng cho việc trồng và chăm bón hơn 400 cây sầu riêng. Mảnh đất này trước đây bà trồng lúa, rồi trồng dưa hấu. Bà Chung cho biết, thấy người ta trồng sầu riêng hiệu quả, bà và chồng đã bàn nhau chuyển đổi cây trồng.

Đầu tư ban đầu khá nặng nhưng được Nhà nước hỗ trợ một phần vốn cùng với thu nhập từ trái sầu riêng ổn định, gia đình bà cũng yên tâm. Đến nay, cây phát triển tốt. Dự kiến, khoảng 1 năm nữa bà làm gốc và thêm 6 tháng sau cây sẽ cho trái.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng Nguyễn Phú Quốc chia sẻ, địa phương quy hoạch sử dụng đất sản xuất theo từng vùng phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ kinh doanh phát triển tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, đời sống nhân dân dần ổn định và được nâng cao. Các hình thức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) được củng cố và phát triển.

Thạnh Hưng đăng ký đến năm 2030 có 4.607 ha trồng lúa tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh’’. Bên cạnh đó, xã cũng có 197 ha diện tích trồng hoa màu. “Người dân trồng cây trái phù hợp, Nhà nước hỗ trợ vốn vay, hướng tới phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Nguyễn Phú Quốc cho hay.

Bài cuối: Thích ứng để phát triển bền vững

Đức Hạnh - Nhựt An - Hữu Chí (TTXVN)
Sức sống mới trên Điểm tham quan Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười
Sức sống mới trên Điểm tham quan Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười

Ngày nay, khi du khách đến với Điểm tham quan Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười (ĐTQ. KBT Đồng Tháp Mười) không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của bức tranh thủy mặc giữa “Vườn tràm địa đàng”, mà còn say đắm với nhiều công trình độc đáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN