Đồng chí Võ Văn Thưởng: Văn hóa tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển

Sáng 10/4, Ban chỉ đạo Trung ương về kiểm tra sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, khảo sát và làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. 

Chú thích ảnh
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được mở rộng và đi vào chiều sâu, với những tiêu chí cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực.

Phong trào xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng bản, khu phố văn hóa của Việt Nam, loại bỏ dần những tập tục lỗi thời, lạc hậu. Phong trào thể dục thể thao  quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, thể hiện ở sự gia tăng số lượng người tập thường xuyên, góp phần phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành, bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. Các kết quả đáng tự hào của thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế là động lực, cổ vũ tinh thần cho nhân dân.

Hệ thống pháp luật ngành được tiếp tục hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa; đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, gia đình, từng bước triển khai chủ trương phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.

Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Lực lượng văn nghệ sỹ và văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Sự xuất hiện của lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng.

Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó, đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản trong nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triể kinh tế - xã hội của đất nước, của nhân dân.

Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức sôi nổi, góp phần làm cho hoạt động này trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của nhà nước. Các hoạt động văn hóa, đối ngoại nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để bắt kịp xu thế của thời đại.

Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW còn bộc lộ một số bất cập. Đó là, bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thủ tục hành chính còn rườm rà, năng lực phẩm chất, ý thức, kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém.

Công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như mục đích và yêu cầu đề ra, còn nhiều vụ việc làm thất thoát, lãng phí tài sản lớn của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân vào chế độ.

Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống còn gặp khó khăn trong việc đào tạo, tuyển chọn diễn viên, nhạc công kế cận.

Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp và nghiêm trọng ở một số nơi. Hoạt động của các mô hình về gia đình có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao...

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Cùng đó, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế...

Nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực văn hóa

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, hoàn chỉnh báo cáo về việc phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; có báo cáo cụ thể về việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, trong đó thể hiện rõ tình hình thực tế, thực trạng văn hóa, xây dựng con người văn hóa và những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, cần đổi mới, thay đổi tư duy giữa "cái cũ" và "cái mới" bởi hiện nay có rất nhiều trào lưu văn hóa, sở thích của giới trẻ, nếu không chú ý sẽ có thể dễ dàng bài xích, phản đối. Bên cạnh đó, một số phong trào văn hóa sau một thời gian thực hiện đã bắt đầu giảm "sức sống", có biểu hiện hình thức; một số tiêu chuẩn hướng dẫn từ trên xuống còn mang tính cào bằng, không còn phù hợp, lãng phí. Báo cáo cũng cần thể hiện rõ nét hơn về tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống văn hóa, bởi từ xưa đến nay, tín ngưỡng tôn giáo luôn gắn liền với đời sống văn hóa của nhân dân. Đây là những nội dung cần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thể hiện trong báo cáo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần làm rõ, sâu sắc hơn việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động văn hóa để có thể làm tốt hơn việc sơ kết và triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới. Muốn thực hiện tốt công tác này ngoài thay đổi nhận thức, cần chuyển đổi cả tư duy và cách làm...

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hoan nghênh, đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, chu đáo các nội dung, văn bản cho buổi làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhấn mạnh lại các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đều đồng tình, đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực của Bộ trong chuẩn bị nội dung báo cáo, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, các ý kiến đã đặt ra nhiều vấn đề tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho báo cáo của Bộ. Quan trọng hơn, cùng suy nghĩ để góp phần cho Ban Chỉ đạo có Đề án tốt trình cho Ban bí thư chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Khẳng định việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam; văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Ban cán sự Đảng của Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc quán triệt Nghị quyết, tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định pháp luật, tổ chức thực hiện nghị quyết và đạt được những kết quả rất quan trọng trong các lĩnh vực công tác.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng bền vững đất nước, còn nhiều vấn đề Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải làm tốt hơn, làm mạnh hơn, hiệu quả hơn. Có những vấn đề đã có nhưng chậm đi vào cuộc sống. Có những vấn đề chưa kịp thời tham mưu, chưa có chuyển biến rõ nét từ quan điểm đến tổ chức thực hiện. Trong đó, có vấn đề chung của các ngành, các cấp ủy và tổ chức đảng; nhưng cũng có vấn đề riêng thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đặt câu hỏi văn hóa đã được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, đây cũng là một vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm, một mình Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thể làm được; ví dụ như: việc đẩy lùi cái xấu, cái ác, đạo đức xã hội còn nhiều bức xúc, xu hướng hành xử bạo lực hiện nay..., đây không phải vấn đề của riêng ngành Văn hóa. Tuy nhiên, ở góc độ riêng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần cố gắng trong một số lĩnh vực của mình. Điển hình như: chất lượng hiệu quả hoạt động của văn hóa, văn nghệ; các lễ hội truyền thống có tiến bộ trong những năm gần đây những vẫn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu; về vấn đề công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, có nhiều đơn vị làm phim hơn nhưng thiếu những kịch bản hay, thiếu những phim được dàn dựng tốt. Chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng chưa cao. Quản lý di tích, di sản có lúc, có nơi cũng còn bị vi phạm, xâm hại, kể cả những Di sản được UNESCO xếp hạng. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa có hiệu quả cao...

Cùng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu những vấn đề mới, những hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để rút kinh nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu và định hướng. Những vấn đề đặt ra có phần của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có phần của các ngành, trong đó, có ngành Tuyên giáo.

Phân tích bối cảnh việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trong bối cảnh các công việc chuẩn bị cho nội dung Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được tiến hành, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng đây là cơ hội để ngành văn hóa đề xuất kép: vừa đề xuất tiếp tục đẩy mạnh hơn việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trong giai đoạn sắp tới, làm sao kiến nghị để đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội XIII hoặc trong Báo cáo kinh tế - xã hội những vấn đề cụ thể để triển khai trong thời gian sắp tới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo, tích cực cùng Ban Chỉ đạo góp phần hoàn thiện sản phẩm báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.

Phúc Hằng (TTXVN)
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tiếp Phó Thủ tướng Singapore
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tiếp Phó Thủ tướng Singapore

Chiều 22/3, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Singapore do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Điều phối An ninh Quốc gia Tiêu Chí Hiền làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN