Doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu nông sản

Thời tiết bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sản lượng của nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực. Đứng trước tình hình đó, các doanh nghiệp (DN) đang phải nỗ lực xoay sở, tìm nguồn nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng của đối tác.

Thiếu nguyên liệu trầm trọng

Thời điểm tháng 4 - 5 hàng năm, DN chế biến hạt điều bước vào cao điểm của vụ sản xuất nhằm kịp cung ứng các đơn hàng cho đối tác. Tuy nhiên năm nay, hầu hết các DN đều than khó đáp ứng tiến độ giao hàng khi không biết tìm đâu nguồn nguyên liệu ổn định, đủ cho việc sản xuất.

Thiếu nguyên liệu, các DN điều phải tăng cường nhập khẩu, sản xuất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.


"Lượng hạt điều tồn kho trong nước ít cộng với hiện tượng nắng hạn làm cho mùa vụ bị kéo dài đã dẫn tới tình trạng nhiều nhà máy chỉ đủ nguyên liệu sản xuất hết tháng 3 và sẽ thiếu trầm trọng trong các tháng tiếp theo. Do nguồn cung trong nước thiếu hụt, các DN đã tăng cường nhập khẩu hạt điều nguyên liệu. Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2016, các DN đã nhập khẩu hơn 143.000 tấn và con số này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới", ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện gần 90% số DN thủy sản đang có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu. Tại Công ty CP Sài Gòn Food, mỗi tháng DN cung cấp gần 500 tấn hàng thủy sản đông lạnh với hơn 40 chủng loại mặt hàng cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU... nhưng hiện nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu và DN đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường như Nhật Bản, Canada...

"Ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 hơn 7 tỉ USD, tăng hơn 6% so với năm 2015. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên, Nhà nước sớm xem xét giảm mức thuế nhập khẩu nguyên liệu xuống còn 0% nhằm giúp DN tạo được nguồn nguyên liệu dồi dào, chủ động được nguồn nguyên liệu nhằm tăng cường đẩy mạnh chế biến xuất khẩu", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đề xuất.

Cần giải pháp lâu dài

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện hầu hết các DN Việt Nam chưa xây dựng được quy trình khép kín từ cung ứng nguồn nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu hàng hóa. Đây là lý do dẫn đến tình trạng dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu hoặc nguồn cung không đảm bảo chất lượng... Do dịch bệnh, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, giá cả bất ổn... sản lượng nhiều loại nông, thủy sản chủ chốt trong nước phục vụ xuất khẩu như tôm, cá tra, hạt điều, cà phê... vẫn chưa ổn định. Trong khi đó, trình độ và ý thức của người nông dân về sản xuất nông sản sạch, đúng tiêu chuẩn chưa cao. Nếu không có sự kiểm soát và hợp đồng chặt chẽ giữa DN và nông dân trong việc tạo dựng nguồn nguyên liệu thì dù có thừa cũng rất khó khăn trong sản xuất xuất khẩu.

Tại công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu lớn, DN đã xây dựng quy trình nuôi trồng, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất con giống sạch bệnh đến khâu nuôi, sản xuất thành phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng. Ngoài ra, Minh Phú còn thương thảo ký hợp đồng với hơn 20.000 hộ nuôi tôm nỗ lực đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các hộ nuôi tôm với DN, kiểm soát được toàn bộ quá trình nuôi tôm, đảm bảo phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

"DN xuất khẩu thủy sản đang thiếu chiến lược dài hơi, nên dễ bị gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung nâng cao chất lượng, tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm; bởi thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm có chất lượng cao", bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn, nhận xét

Với ngành điều nói riêng và các loại nông sản khác nói chung, theo ông Nguyễn Đức Thanh, các DN phải chủ động chuyển từ việc cạnh tranh mua bán giá rẻ sang cạnh tranh về chất lượng, giá thành cao, giảm xuất thô, gia tăng chế biến sâu. Song song đó, ngành điều cần đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất, áp dụng kỹ thuật thâm canh điều tổng hợp, bao gồm: tỉa cành, tạo tán, bón phân và bảo vệ thực vật cho cây điều giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế từ 20 - 60%.

Nhìn xa hơn, ông Trương Đình Hòe cho rằng việc xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm là chủ trương đã được các ngành chức năng, DN quan tâm từ rất lâu nhưng liên kết giữa DN và nông dân vẫn hết sức lỏng lẻo. DN không đủ vốn để hướng dẫn, xây dựng lại vùng nuôi trồng theo đúng tiêu chuẩn, ngành chức năng chưa sâu sát hướng dẫn hoặc tạo những điều kiện thuận lợi để DN, nhà nông gặp nhau.

"Điều quan trọng lúc này là cần đến sự tích cực vào cuộc cũng như vai trò cầm trịch của các cơ quan chức năng với những chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện đúng tiêu chuẩn khoa học trong chăn nuôi. Ngoài ra ngành chức năng cũng tập hợp nhà khoa học, DN cùng xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn của nhà nhập khẩu", ông Hòe nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Công bố các cơ sở bán nông sản sạch
Công bố các cơ sở bán nông sản sạch

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố danh sách 69 cơ sở bán sản phẩm nông, lâm thủy sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đây sẽ là những địa điểm bán nông sản sạch, có chứng nhận, giúp người dân an tâm sử dụng nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN