Doanh nghiệp KHCN chỉ xin thủ tục minh bạch, đơn giản

Các đại biểu Quốc hội cho rằng sửa đổi Luật doanh nghiệp cần tính đến tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) phát triển, chứ không nên càng sửa càng rối rắm.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng, đoàn TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các doanh nghiệp KHCN đang bị “trói chân”, cản trở bởi nhiều thủ tục, chính sách rối rắm, chưa thống nhất, kể cả các chính sách ưu đãi.

Trao đổi tại buổi thảo luận ở tổ ngày 15/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta luôn mong muốn các doanh nghiệp KHCN ngày càng phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp đưa các nghiên cứu, nhân lực, công nghệ, tri thức của họ đầu tư vào những dự án thì chưa được bởi các quy định, thủ tục vẫn còn rối rắm. Tôi đề xuất phải có các điều khoản trong Luật để thúc đẩy được các tổ chức KHCN công lập phát triển, phải có chính sách thông thoáng để họ có thể dễ dàng đầu tư. Các đơn vị có thể đầu tư kết quả nghiên cứu khoa học do họ làm ra, mặc dù tiền nhà nước tài trợ nhưng phải tạo điều kiện để chuyển giao, áp dụng vào sản xuất…”.

Thậm chí các chính sách ưu đãi hiện cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Đơn cử như các doanh nghiệp KHCN được ưu đãi về thuế nhưng các Nghị định thay đổi liên tục, thậm chí cả công văn hướng dẫn của Tổng cục thuế , cũng mỗi nơi thực hiện một kiểu khiến doanh nghiệp loay hoay.

Đơn cử như quy định doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi thuế là: năm thứ nhất phải có 30% doanh thu từ sản phẩm KHCN, năm 2 phải đạt 50%, năm thứ 3 phải đạt 70%. Vì thế, hiện nay doanh nghiệp đang hiểu là với điều kiện đó, họ sẽ được ưu đãi thuế trên toàn bộ doanh thu. Tuy nhiên về sau, Tổng cục thuế bảo chỉ giảm trên phần doanh thu KHCN. Thành thử họ bị truy thu thuế, nhiều trường hợp doanh nghiệp trả lời đã dồn hết vào việc nghiên cứu hết thì lấy đâu ra tiền đóng thuế. Do vậy, vấn đề ở đây là quy định không minh bạch, không chặt chẽ ngay từ đầu.

“Việc xây dựng Luật phải rất chặt chẽ nếu không khi xuống đến Nghị định, Thông tư là đã có cách hiểu khác do lúc đầu không lường trước được những việc này. Đặc biệt các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp phải rõ ràng mới có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Với các doanh nghiệp sáng tạo KHCN, đôi khi họ không cần xin tiền nhà nước mà chỉ xin thủ tục minh bạch, đơn giản chứ không cần gì hết”, đại biểu Nguyễn Việt Dũng đề xuất.

Cũng nói về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng các nghiên cứu, KHCN vào sản xuất, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp dược, trang thiết bj y tế cũng thẳng thắn trao đổi rằng họ muốn chỉ cần vượt qua được các thủ tục để đưa những sáng chế, phát minh hợp pháp để được làm thôi đã rất khó nên đôi khi “cứ nhập về cho “lành”. Quá trình cấp phép cho doanh nghiệp thì rất rắc rối, lằng nhằng như sợ làm điều gì tổn hại cho người dân nhưng sau đó khi nhập khẩu thì không quản lý được chất lượng hàng nhập, thậm chí để lọt hàng giả… Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp rất sợ việc xây dựng Luật, xây dựng để với mục đích để quản lý dễ hơn, để doanh nghiệp đất nước phát triển nhưng lại thấy càng sửa càng rối, nhiều điều kiện làm khó doanh nghiệp, khiến họ rất khổ sở. Tôi đề nghị trong Luật mới phải đặt mục tiêu cụ thể là gì, sửa đổi được những gì đang tồn tại… nên nhìn vào các nước phát triển ổn định trong khu vực thôi cũng đã rất tốt”.

 

Tin, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bên lề Quốc hội: Ưu tiên dự án đem hiệu quả cao cho sự phát triển vùng đồng bào thiểu số
Bên lề Quốc hội: Ưu tiên dự án đem hiệu quả cao cho sự phát triển vùng đồng bào thiểu số

Ưu tiên lựa chọn nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình đem lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN