Bên lề Quốc hội ngày 5/1, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đã chia sẻ về cơ hội và thách thức của DN khi gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thưa ông, xin ông cho biết, gia nhập CPTPP, Viêt Nam có cơ hội gì để phát triển kinh tế?
Gia nhập CPTPP Việt Nam sẽ đối diện thách thức nhiều hơn, tuy nhiên cũng sẽ là những cơ hội cho chúng ta.
Trước hết, khi tham gia Hiệp định này chúng ta sẽ có những lợi thế về mặt kinh tế. Xét trong 11 nước tham gia hiệp định này, sẽ là thị trường rất lớn cho chúng ta. Khi tham gia chúng ta sẽ có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo cơ hội cho chúng ta nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế, gắn liền với điều đó là tạo sức cạnh tranh mới trong lĩnh vực kinh tế.
Thứ hai, đó là giúp chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế về pháp luật của nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua chúng ta có rất nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện thể chế nhưng khi tham gia hiệp định lần này, sẽ là yêu cầu bắt buộc yêu cầu khẩn trương để chúng ta làm tốt vấn đề này, tạo ra một thể chế vừa phù hợp với điều kiện của chúng ta đồng thời vừa phù hợp với yêu cầu thế giới.
Thứ ba, khi tham gia hiệp định chúng ta sẽ có điều kiện thu hút đầu tư tốt hơn: Chúng ta có điều kiện hoàn thiện, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, minh bạch hơn, tạo cơ hội thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Một cơ hội nữa là lợi thế của Việt Nam chúng ta, đó là trong quá trình tham gia hiệp định này chúng ta sẽ hoàn thiện việc tạo cơ hội để tăng thu ngân sách, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân.
Tuy nhiên, điều đó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức. Nếu chúng ta biết tận dụng sẽ biến thành cơ hội hoặc không biết tận dụng sẽ thành thách thức và ngược lại.
Ông vừa nói, gia nhập CPTPP, Viêt Nam vừa có cơ hội và thách thức. Vậy thách thức đối với Việt Nam gì, thưa ông?
Về thách thức chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất đó là về vấn đề kinh tế. Một thị trường lớn, nếu chúng ta không thay đổi đươc cơ cấu phát triển nền kinh tế thì với các mặt hàng không là lợi thế của chúng ta trong nông nghiệp, như thịt gà, thịt lợn; trong công nghiệp như thép, giấy, ô tô; trong dịch vụ là dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logictic,… thì sẽ khó để cạnh tranh và mở rộng thị trường. Đây là những vấn đề chúng ta cần hết sức quan tâm.
Thách thức thứ hai về vấn đề thu ngân sách, trước mắt khi chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu, về ngân sách sẽ phải giảm so với trước đây.
Thách thức thứ ba là về hoàn thiện thể chế. Đây là quá trình để chúng ta tiếp tục hoàn thiện với yêu cầu hết sức khẩn trương. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã có sự cố gắng nhưng khi tham gia hiệp định, bắt buộc chúng ta trước mắt cần phải sửa đổi 8 bộ luật, 8 dự án luật cũng như một số văn bản dự luật: luật lao động, luật phòng chống tham nhũng, luật tố cáo, luật tố tụng hình sự, luật kinh doanh bảo hiểm, luật an toàn thực phẩm là bắt buộc chúng ta phải sửa ngay thì mới có cơ hội hội nhập tốt.
Thách thức thứ tư về vấn đề lao động, việc làm. Khi tham gia hiệp định, một số DN của chúng ta sẽ không đủ sức cạnh tranh, sẽ dẫn tới phá sản. Do đó chúng ta phải có kế hoạch chăm lo đối với các đối tượng bị phá sản như thế nào? Đây cũng là vấn đề cần phải lưu ý.
Ngoài ra, khi tham gia hiệp định này chúng ta phải quan tâm sửa đổi bộ luật lao động để phù hợp giúp người lao động của chúng ta có những lợi thế, ví dụ: lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, đặc biệt cần hình thành các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động vừa đáp ứng yêu cầu pháp luât Việt Nam, vừa phù hợp với tổ chức lao động thế giới nhưng đặc biệt giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Chính vì vậy, khi chúng ta gia nhập hiệp định này sẽ vừa có cơ hội vừa có thách thức. Điều quan trọng nhất, chúng ta cần biến các cơ hội thực sự thành cơ hội đồng thời thách thức đó cũng thành cơ hội thì chúng ta mới có hội nhập thành công.
Theo ông, với các DN Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn này cần có sự chuẩn bị như thế nào?
Với các DN Việt Nam, khi tham gia hiệp định cần có hiểu biết luật pháp, tuân thủ luật pháp; cần chuẩn bị nội lực về cơ sở thiết bị; năng lực quản lý; tính minh bạch,… Điều đó đòi hỏi DN bắt buộc phải thay đổi và vươn lên.
Đặc biệt với các DN nhỏ và vừa, chúng ta thành lập rất nhiều nhưng phần lớn DN của chúng ta gặp các khó khăn về trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ cũng như nguồn lực lao động.
DN nhỏ và vừa cũng cần chủ động xác định thế mạnh của mình, lựa chọn mặt hàng phù hợp thuộc về thế mạnh của địa phương hoặc của nguồn lao động để có điều kiện cạnh tranh phù hợp với điều kiện phát triển của DN.
Khi tham gia sân chơi này, các DN siêu nhỏ dễ bị hụt hơi nếu không được bảo hộ hoặc sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Do đó, DN cần lưu ý xây dựng đội ngũ cán bộ trong quản lý nhân lực, nguồn lao động đáp ứng trình độ hội nhập.Đó là những vấn đề các DN của chúng ta cần quan tâm.
Xin cảm ơn ông.