Nêu quan điểm bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP sẽ tạo thêm việc làm cho lao động trong nước; là động lực tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường kinh doanh tin tưởng thu hút các nhà đầu tư.
Tạo thêm việc làm cho lao động trong nước
Phân tích những lợi ích mà CPTPP đem lại, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, là thành viên sáng lập, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Ông Phương đánh giá, CPTPP thực sự là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua chính mình của 11 thành viên TPP, khẳng định sự đúng đắn và xu hướng tiếp tục của tự do hóa thương mại đầu tư quốc tế. CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự cấp thiết và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Mối lợi chính mà CPTPP đem lại cho Việt Nam là có được quyền tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn. CPTPP mang tính mở, các nước và vùng lãnh thổ khác có thể gia nhập, điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tốt hơn, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, một trong những tác động quan trọng và dài hạn hơn đối với Việt Nam là Hiệp định này như một chất xúc tác cho quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam.
Đây là một sân chơi rộng, có rất nhiều đối tác lớn, đối tác phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh những cơ hội tiếp cận thị trường thì Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư, mà còn có khả năng hợp tác, học hỏi những điều, những thông lệ, chuẩn mực tốt.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam về mặt chính trị, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, nền kinh tế của nước ta từ lâu phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, nhưng sau khi gia nhập CPTPP sẽ đa dạng hơn, từ đó tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động trong nước. Những lĩnh vực về khoa học công nghệ sẽ được cải thiện khi tham gia, từ đó dẫn đến cải cách nền kinh tế, tạo sự cân bằng phát triển trong xu hướng bảo hộ hiện nay; tạo điều kiện mở rộng, hội nhập sâu rộng chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu; tạo ra môi trường kinh doanh tin tưởng thu hút các nhà đầu tư....
Tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, để tận dụng được những lợi ích mà CPTPP đem lại, Việt Nam cần tăng tính cạnh tranh các ngành của mình bằng cách tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách lao động. "Việt Nam phải tiến hành những cải cách này để được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ", đại biểu nhấn mạnh.
Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Hiệp định còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Điều đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.
Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ “nhanh chân” hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Hơn nữa, tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, sự liên kết với nhau kém thì sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này.
Theo đại biểu, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), để nắm bắt nhiều cơ hội hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến nhu cầu thị trường các nước để thiết kế lại hệ thống sản xuất các mặt hàng. Trong đó, cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, Việt Nam phải chú trọng xây dựng đạo đức kinh doanh, tạo thương hiệu, vì nếu không có thương hiệu, mặt hàng của Việt Nam sẽ khó được chấp nhận. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ công dân của Nhà nước phải chặt chẽ, kể cả cá nhân và doanh nghiệp.
"Khi có tất cả các vấn đề tranh chấp xảy ra, Nhà nước phải có sự hỗ trợ về tư pháp. Chúng ta cần áp dụng các quy tắc quan hệ quốc tế để bảo hộ cho công dân của chúng ta thì mới tham gia được các thị trường này", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.