Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương tập trung làm rõ các nội dung: sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ 1986 đến nay, tập trung vào 10 năm gần đây; đánh giá về thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung; một số đề xuất nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã báo cáo sơ kết về phát triển kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997 - 2023. Theo đó, toàn tỉnh thu ngân sách tăng bình quân 18,9%/năm, đảm bảo điều tiết về ngân sách Trung ương. Chi ngân sách tăng bình quân 16,93%/năm, trong đó bố trí 50% để chi cho đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, các dự án liên kết, kết nối vùng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, tránh tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Đến nay, tỉnh Bình Dương không còn doanh nghiệp nhà nước thuộc trường hợp phải cổ phần hóa; còn 2 doanh nghiệp nhà nước và 1 doanh nghiệp có vốn nhà nước; có 64.975 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 706 ngàn tỷ đồng (tương đương 29,5 tỷ USD); 4.192 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với 40 tỷ USD; 222 tổ hợp tác và 237 hợp tác xã.
Tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn của hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa từng cấp, từng ngành để chính quyền địa phương chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công theo cơ chế thị trường; có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng..., thu hút mọi nguồn lực của xã hội, khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư. Ban Chỉ đạo tổng kết báo cáo Bộ Chính trị xem xét cân đối, bổ sung thêm biên chế công chức cho tỉnh Bình Dương phù hợp các tiêu chí về dân số, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nộp ngân sách, mức độ đô thị hóa… nhằm tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của Bình Dương trong thời gian qua, là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, dịch vụ; xây dựng khu công nghiệp sinh thái, thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo. Tỉnh học hỏi mô hình từ Singapore nhưng vận dụng sáng tạo vào thực tế địa phương cho phù hợp. Đồng thời, có sự tham gia tích cực từ doanh nghiệp nhà nước, đầu tàu là Tổng công ty Becamex IDC xây dựng hệ sinh thái Becamex, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế thị trường. Những thành tựu của Bình Dương đã góp phần hoàn thiện lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong 40 năm qua. Qua đó để Đảng hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Thay mặt Đoàn công tác, ông Trần Tuấn Anh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh để nghiên cứu, báo cáo Trung ương có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã tham quan, khảo sát tại Nhà hát Mỹ Phước, thành phố mới Bình Dương; Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3; Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II; các dự án nhà ở xã hội Becamex; Trường Đại học Quốc tế Miền Đông; Vườn ươm doanh nghiệp; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương.