Bài học trong đấu tranh và xây dựng đất nước
Sự chia sẻ những tư tưởng chung, các giá trị, biểu tượng, truyền thống, phong tục tập quán, lịch sử và truyền thuyết… chung của một cộng đồng, dân tộc, quốc gia... là một trong những yếu tố làm nên văn hóa của cộng đồng, dân tộc, quốc gia đó. Khi nhắc đến văn hóa Việt Nam, tư tưởng về sự đoàn kết, đùm bọc là yếu tố tinh thần nổi bật, khắc sâu qua các thế hệ từ ngàn đời. Quan niệm này được thể hiện qua cả nhiều câu ca dao, tục ngữ từ xa xưa, như: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng", hay "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng yếu tố đoàn kết dân tộc. Bác căn dặn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Bác nhấn mạnh, nước ta là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và Bác kêu gọi đồng bào các dân tộc không phân biệt Kinh hay Thổ, Mường hay Mán… phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công.
Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc cũng chính là cơ sở quan trọng hình thành tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá và sự đồng lòng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt quá trình lâu dài, gian khổ, từ đó làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được phát huy, lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, với mục tiêu, khát vọng cháy bỏng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhờ huy động cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, với đỉnh cao thắng lợi là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Khẳng định vai trò của Mặt trận trong củng cố khối đoàn kết toàn dân
Bước vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tư tưởng đoàn kết vẫn luôn thấm đẫm trong tư tưởng, tâm hồn của mỗi người con đất Việt, dù đang sinh sống, học tập, làm việc ở bất cứ nơi đâu. Với vai trò là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt lịch sử hơn 90 năm đầy vinh quang và tự hào của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Quá trình mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt ra yêu cầu phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình. Tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn đó, Ngày hội Đại đoàn kết ở Việt Nam ra đời.
Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 - ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư.
Sự ra đời của Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc minh chứng cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, có thể nói là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Theo tìm hiểu, trên thế giới không nước nào có một ngày được lấy là Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, được tổ chức đến từng khu phố, khu dân cư như Việt Nam".
Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống, Ngày hội Đại đoàn kết năm 2021 càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch COVID-19; vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, việc tổ chức Ngày hội năm 2021 nhằm kịp thời động viên, khích lệ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân để phòng, chống và chiến thắng đại dịch.
Đoàn kết, tương trợ để vượt qua đại dịch
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để có được sức mạnh vô địch đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, đặc biệt đã được vận dụng cao độ trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của đất nước ta trong hai năm qua. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, từ khi đại dịch bùng phát, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết, kết luận, chỉ thị với phương châm “Chống dịch như chống giặc”; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: "Thương người như thể thương thân", "Bầu ơi thương lấy bí cùng". Trong khoảng thời gian ngắn, hàng triệu túi quà Đại đoàn kết, túi quà an sinh, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị của đồng bào cả nước và của kiều bào ta ở nước ngoài đã được chở vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để san sẻ yêu thương và chia sẻ những khó khăn, vất vả của đồng bào ta trong quá trình chống dịch.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, ủng hộ bằng tiền mặt khoảng 20.000 tỷ đồng để giúp đỡ những nơi còn khó khăn, trong đó quan trọng nhất là để mua vaccine tiêm phủ trên diện rộng miễn phí cho toàn dân. Người dân tích cực tham gia các phong trào phòng, chống dịch; góp sức tại các chốt phòng, chống dịch hay các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng.
Đứng trước đại dịch COVID-19, sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước trong cuộc chiến đấu chống đại dịch một lần nữa được phát huy. Mọi tầng lớp nhân dân đã cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng y tế, lực lượng thanh niên xung kích… ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan. Các lực lượng chính trị nòng cốt ở mọi ngành, mọi giới đã góp sức, góp tiền để tiếp tế nhu yếu phẩm cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch. Những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp cơm nước cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch… Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy được kết tinh từ truyền thống “máu chảy ruột mềm”.
Trong cuộc chiến chống đại dịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh tập hợp, đoàn kết của các giai tầng trong xã hội. Có thể thấy rằng, chỉ có sức mạnh nội sinh, chỉ có truyền thống văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm mới có thể tạo nên những thành quả đó. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân đã trở thành một yếu tố bền vững qua tất cả các thời kỳ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và giá trị văn hóa con người Việt Nam.