Chánh án TAND Toi cao Nguyễn Hòa Bình tặng quà lưu niệm Chánh án tòa án tối cao Ấn Độ.
|
Tại Ấn Độ, Đoàn thăm và làm việc với Tòa án Tối cao Ấn Độ, tới thăm Tòa án Cấp cao Delhi. Trong phiên hội đàm ngày 28/11, Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ Dipak Misra và các Thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ đã giới thiệu với Đoàn về nguyên tắc tổ chức của nhà nước liên bang, hệ thống Tòa án Ấn Độ và một số lĩnh vực cải cách gần đây trong hệ thống. Về phần mình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giới thiệu về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Việt Nam. Chánh án đánh giá cao hệ thống pháp luật và thực tiễn tổ chức công tác hòa giải tại Tòa án Ấn Độ. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ cử nhóm chuyên gia về hòa giải và tòa án điện tử sang Việt Nam nhằm hỗ trợ Tòa án Việt Nam đẩy mạnh các lĩnh vực này.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng trân trọng mời Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ Misra sang thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm thích hợp trong năm 2018. Chánh án Misra vui vẻ nhận lời mời và cam kết sẵn sàng cử các thẩm phán và chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm.
Quang cảnh buổi làm việc.
|
Sáng cùng ngày, Đoàn đến thăm và làm việc với Tòa án Cấp cao Delhi. Bà Gita Mittal, Chánh án Tòa án Cấp cao Delhi cùng các cộng sự đón tiếp Đoàn nồng hậu và nhiệt tình. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam giới thiệu sơ bộ mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Việt Nam. Chánh án Gita Mittal giới thiệu với Đoàn về mô hình hòa giải mới được thử nghiệm thành công trong hệ thống Tòa án Ấn Độ, mà tiêu biểu là Tòa án Cấp cao Delhi. Hiện tại, ở Ấn Độ tồn tại 4 thủ tục giải quyết tranh chấp lựa chọn gắn liền với Tòa án, bao gồm trọng tài, hòa giải, thương lượng và tòa án giải quyết.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao các kết quả mà Tòa án Cấp cao Delhi đã đạt được trong việc đẩy mạnh hệ thống giải quyết tranh chấp lựa chọn. Chánh án cho rằng hệ thống này có nhiều lợi thế như giảm tải công việc của tòa án, giảm bớt tổng chi phí xã hội cho việc giải quyết tranh chấp, tiết kiệm thời gian và công sức, giữ gìn quan hệ giữa các bên tranh chấp và tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống tòa án. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị phía Ấn Độ giúp Tòa án Việt Nam tăng cường năng lực trong lĩnh vực này, thông qua các hoạt động như chia sẻ thông tin, chương trình và giáo trình giảng dạy, phái cử chuyên gia sang đào tạo cho thẩm phán và cán bộ Tòa án Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam cử thẩm phán và cán bộ sang nghiên cứu tại Ấn Độ.