Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn tiếp và chủ trì buổi làm việc.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái đánh giá cao những giải pháp tích cực, chủ động của tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thời gian qua. Nổi bật là tỉnh đã kịp thời kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn các cấp, nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên, vận dụng kịp thời và hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai kết hợp tổ chức lại sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Tiền Giang cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, ứng phó biến đổi khí hậu đối với từng tiểu vùng: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng kiểm soát lũ, vùng Đồng Tháp Mười; có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ người dân vùng khó khăn giải quyết vấn đề nước sạch sinh hoạt, tổ chức lại sản xuất hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai…
Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái lưu ý, Tiền Giang cần khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc xây dựng những kịch bản ứng phó phù hợp, mang tính lâu dài cho từng tiểu vùng, từng vùng sinh thái dựa trên sự đúc kết kịp thời những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai thời gian qua (nhất là mùa khô hạn khốc liệt gây nhiều thiệt hại năm 2019 - 2020).
Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai đảm bảo tiêu chí nhanh, kịp thời, rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân; khai thác tốt các bản tin dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước, bảo vệ môi trường sinh thái…
Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận ý kiến, kiến nghị của Tiền Giang với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, hỗ trợ tỉnh đầu tư một số dự án thủy lợi trọng điểm, thiết yếu như: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Gò Công; đắp đập hai đầu sông Cửa Trung, xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, tạo nguồn trên kênh Nguyễn Tấn Thành; dẫn ngọt từ phía Tây của tỉnh qua kênh Chợ Gạo; xây dựng các công trình ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông qua sông Tiền trên Đường tỉnh 864; hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ vườn chuyên canh cây ăn trái,… nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống tại địa phương trong tương lai.
Báo cáo với Đoàn công tác của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các cấp; tập huấn nâng cao năng lực.
Hàng năm, tỉnh xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác truyền thông và đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai cũng như kịp thời triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ nạn nhân khi có thiên tai xảy ra. Chỉ tính việc bố trí nguồn lực phục vụ phòng, chống thiên tai từ năm 2018 đến nay, Tiền Giang đã đầu tư trên 1.826 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới công trình thủy lợi tại các địa bàn trọng điểm: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ phục vụ phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất.
Tỉnh xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai theo Sổ tay hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngày 18/02/2020 của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại được hết sức chú trọng.
Mùa khô 2019 - 2020, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất hạ tầng, tài sản và sản xuất của nhân dân. Tiền Giang đã khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục, tái thiết sau thiên tai theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong đó, tỉnh đầu tư khoảng 41 tỷ đồng để huy động sà lan chở nước ngọt về cấp cho 2 nhà máy Đồng Tâm và Bình Đức nhằm phục vụ nhân dân các huyện, thị phía Đông; đầu tư trên 40 tỷ đồng vận chuyển nước ngọt tưới ứng cứu các vườn cây ăn quả chuyên canh đang bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng nhận được 13.000 bồn chứa nước, trên 2.200 can nhựa chứa nước, 40 hệ thống lọc nước mặn, mở 168 vòi và 50 điểm lấy nước công công qua bồn... từ sự hỗ trợ của hàng trăm tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh giúp đỡ nhân dân vùng khó khăn...