Dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tầm kiểm soát 

Sáng 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn cấp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sau khi phát hiện chùm ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến Giáo phái Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về việc triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh dừng các hoạt động liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, sáng nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính lần 1 liên quan đến Giáo phái Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (29 người sinh hoạt tại tại Phường 3, quận Gò Vấp). Tính đến 10 giờ ngày 27/5, có 25 ca dương tính liên quan tới chùm ca bệnh này, bao gồm 3 trường hợp ghi nhận từ tối 26/5 (được phân luồng và phát hiện sớm khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định).

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch mới, các lực lượng đã tiến hành cách ly và xác minh có 16 quận, huyện liên quan đến hoạt động của các thành viên của giáo phái này. Các lực lượng chức năng đã truy vết được 70 trường hợp F1 và 336 trường hợp F2. Trong ngày 27/5, ngành y tế tiếp tục tầm soát những người tiếp xúc gầnvới  các F2 và xét nghiệm tầm soát rộng ở khu vực phong tỏa.

"Hiện nay dịch bệnh ở thành phố vẫn còn đang trong tầm kiểm soát, chưa tìm ra thêm nguồn lây nhiễm khác. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đang truy vết các điểm; thông báo với người dân về những điểm phong tỏa tạm thời", ông Dương Anh Đức cho biết.

Chú thích ảnh
Điểm cầu TP Hồ Chí Minh tham dự họp trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cho dừng một số hoạt động, giảm quy mô tập trung xuống dưới 10 người, dừng hết các hoạt động liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; tạm ngừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để giảm lượng giao lưu; đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát. 

Trước đó, ngày 26/5, Thành phố Hồ Chí Minh nhận được thông tin về việc tiếp nhận tàu chở gạo đi Ấn Độ, sau đó quay về Việt Nam. Do tàu trở về từ Ấn Độ - nơi có dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tàu cập ở phao báo hiệu hàng hải số "0" (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sau đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh lên tàu làm việc với 17 thuyền viên (đã được chia làm 2 nhóm người).

Nhóm thứ nhất (gồm 9 người) được tiếp nhận cách ly tại Bệnh viện Đã chiến ở Cần Giờ. Sau khi xét nghiệm, tất cả 9 thuyền viên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Các thuyền viên ở nhóm còn lại đang được lực lượng y tế xử lý như đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, cách ly và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến ở Cần Giờ.

"Chống dịch ưu tiên hơn một bước"

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có văn bản quy định trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy và người đứng đầu về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng có các văn bản, chỉ đạo thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ"; người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng.

Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", đầu tiên là chỉ huy tại chỗ, Phó Thủ tướng nêu rõ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phân cấp, phân quyền trách nhiệm; Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất, trách nhiệm của các cấp trong thực hiện công tác phòng, chống dịch. Theo đó, việc thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhấn mạnh tinh thần "chống dịch ưu tiên hơn một bước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, theo quy định, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương phối hợp đồng bộ để không "ngăn sông, cấm chợ" không cần thiết. Trường hợp cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc thì trách nhiệm trước hết giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ, còn trong chỉ đạo điều hành, chống dịch, trước hết phải báo cáo với Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện tại, Bộ Y tế chưa bao giờ đề xuất giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc. Ngoài ra, nếu các địa phương cần giãn cách xã hội trên quy mô toàn tỉnh nhưng nếu lãnh đạo địa phương không đề nghị thì Bộ Y tế có quyền kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, theo quy định, việc thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ, quy mô trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thuộc thẩm quyền của của lãnh đạo thành phố và nếu có thì thành phố cần báo cáo để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lân cận hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Về đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến các chuyến tàu từ nước ngoài về có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất giao Bộ Y tế thiết lập cơ sở, sẵn sàng điều trị cho các trường hợp này ngay tại Bà Rịa-Vũng Tàu với sự hỗ trợ, tăng cường của Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước mắt, trong một tuần tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều phối các chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, không hạ cánh xuống Thành phố Hồ Chí Minh.

Thảo luận thêm về công tác phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo sẽ đáp ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm…; sẵn sàng lực lượng quân đội, công an để chi viện… nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch của địa phương cũng như của Bộ phận đặc biệt (Bộ Y tế) tại 2 tỉnh này.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Hiện tại, Bộ Y tế đã ký được một số hợp đồng mua vaccine nhưng do nguồn cung khan hiếm nên tiến độ vẫn chậm. Do vậy, trước mắt, mỗi người vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế).

Ngoài những đối tượng ưu tiên tiêm vaccine trong Nghị quyết 21/NQ-CP, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu tất cả công nhân làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp phải khai báo y tế - bước chuẩn bị để đưa công nhân vào danh sách ưu tiên tiêm khi có vaccine; tiến tới tiếp tục mở rộng sang những ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

Diệp Trương (TTXVN)
Nhà hàng, cà phê ở TP Hồ Chí Minh bị phạt vì mở cửa đón khách vào ăn uống
Nhà hàng, cà phê ở TP Hồ Chí Minh bị phạt vì mở cửa đón khách vào ăn uống

Tối 26/5, UBND phường 25 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã kiểm tra, xử lý các quán ăn, quán nhậu và quán cà phê vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN