Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng" của PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trước khi trở về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, cho hậu thế muôn đời, Hồ Chí Minh căn dặn nhiều điều, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, thành công. Xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết, thống nhất là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay trong bản Di chúc viết năm 1965, điều quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, trước hết là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Người khẳng định: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta" [1]. Truyền thống đó được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, được Đảng ta kế thừa và phát huy trong giai đoạn lịch sử mới.
Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (5-9-1960). Ảnh tư liệu |
Thấm nhuần những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhất là sự đoàn kết, thống nhất trong một đảng cầm quyền, trong hạt nhân lãnh đạo. Đoàn kết, thống nhất là qui luật tồn tại, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản. Đảng cộng sản có đoàn kết thành một khối thống nhất mới đủ sức mạnh để đánh đổ các thế lực áp bức bóc lột vốn nắm trong tay sức mạnh vật chất to lớn. Đảng cộng sản có đoàn kết thành một khối thống nhất mới đủ sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo quần chúng cần lao vào trận tuyến cách mạng, lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới.
Trong Di chúc, Người đã khẳng định "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" [2]. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ một đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp, Đảng ta trở thành đảng cấm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Người chỉ rõ: "Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo". Vì vậy, khi đặt bút viết Di chúc, điều đầu tiên nói về Đảng, Người nhấn mạnh: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" [3].
Theo Người, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng phải xây dựng trên cơ sở một mục tiêu, một lý tưởng thống nhất. Người căn dặn các đảng viên cộng sản: "Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác" [4]; "Đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang là: suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân" [5]. Người nhấn mạnh quan điểm đoàn kết, thống nhất giữa các đảng viên cộng sản trên cơ sở mục tiêu chung: vì Đảng, vì nhân dân.
Sự đoàn kết trong Đảng, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự đoàn kết nhất trí, thống nhất trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đoàn kết nhất trí trong Đảng Cộng sản phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin. Đoàn kết trong Đảng được dựa trên cơ sở đường lối, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức tổ chức của Đảng. Muốn có sự đoàn kết, nhất trí vững chắc, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi; Đảng viên phải nêu cao kỷ luật tự giác, phải thực hiện tự phê bình và phê bình.
Trong Di chúc, Người khẳng định: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng" [6]. Trong xây dựng Đảng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đồng thời Người căn dặn: phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc. Theo Người, đoàn kết nhất trí phải xuất phát từ tình thương yêu thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất, bền vững nhất giữa những người cộng sản. Người nói: "Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa" [7].
Vì vậy, để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đảng viên, cán bộ là nhân tố quan trọng gắn liền với vận mệnh của Đảng. Đảng muốn đoàn kết, đủ sức lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi đến bến bờ thắng lợi thì dứt khoát phải có các tổ chức đảng mạnh, phải có các đảng viên ưu tú. Chính vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng, để Đảng được đoàn kết vững mạnh, Người thường nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình.
Người chỉ rõ: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân" [8]. Mỗi đảng viên phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc và tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Có như vậy, mới giữ được sự đoàn kết, thống nhất trong đảng.
Những tư tưởng cơ bản về vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quan điểm chỉ đạo, bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước ta hiện nay, việc đổi mới và chỉnh đốn đảng nhất là vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng đang nổi lên là một nhiệm vụ quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội XI (2011) tiếp tục chỉ rõ: "Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt" [9]. Hơn lúc nào hết, việc quán triệt và vận dụng đúng đắn Di chúc của Người về vấn đề đoàn kết trong công tác xây dựng đảng là việc làm cấp thiết.
[1] Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Văn hóa Thông tin, tr20, HN, 2008
[2] Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Văn hóa Thông tin, tr20, HN, 2008
[3] Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, Nxb Văn hóa Thông tin, tr20, HN, 2008