Những bài học quý từ Bác Hồ

25 tài liệu, ảnh, hiện vật gốc liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với hàng nghìn file tư liệu, hình ảnh… đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) tiếp nhận. Mỗi kỷ vật gắn với một câu chuyện và cả những bài học quý báu từ những lời dạy của Bác Hồ, mà những ai đã từng được nghe đều nhớ mãi.

 

Ngày 21/8 tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận thêm nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do các tổ chức, cá nhân trao tặng. Những tư liệu, hiện vật này đã góp phần làm phong phú thêm kho tư liệu của Bảo tàng, phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đáp ứng công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền về Người.

 

Ông Nguyễn Hữu Duyện trao tặng cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” cho Bảo tàng.

 

Trong số các hiện vật, tài liệu này, có rất nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” do Bác Hồ tặng cán bộ huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ông Nguyễn Hữu Duyện, nguyên lãnh đạo huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), người đã hiến tặng cuốn sách cho biết: “Cuốn sách xuất bản lần đầu vào năm 1948, được Bác Hồ trao tặng trong lần Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963. Gần 60 năm qua, cuốn sách là kỷ vật quý giá mà tôi luôn trân trọng gìn giữ”. Ông Duyện cho biết thêm, ông thường xuyên đọc và làm theo những gì trong sách, coi đó chính là những lời răn dạy của Bác dành cho những người làm cán bộ.

 

Đó là, cán bộ thì luôn phải nhớ đến hai chữ cần kiệm, liêm chính, luôn lấy dân làm gốc, nghe dân nói, làm theo dân, nhân dân phê bình thì tiếp thu, sửa chữa, làm việc luôn nghĩ đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của dân tộc. Những việc mình làm phải có lòng dân, nếu không dựa vào lòng dân, cá nhân có giỏi mấy cũng không thành công… “Đây là cuốn sách vàng với những lời răn dạy vô cùng quý giá về việc sửa đổi lề lối làm việc mà tôi đã trân trọng, gìn giữ trong gần 60 năm qua. Qua nhiều biến cố, thậm chí cả khi nhà bị cháy, tôi vẫn cố gắng gìn giữ cuốn sách cho đến tận hôm nay”, ông Duyện cho biết.


Đến dự và trao tặng Bảo tàng bộ ảnh tư liệu quý giá với hơn 100 bức ảnh về Bác Hồ với các cán bộ ngoại giao, bà Vũ Thị Đạt, nguyên cán bộ Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) cho biết, đây là những bức ảnh tư liệu quý được bà gìn giữ trong thời gian công tác ở Vụ Lễ tân (từ năm 1955), trong đó có nhiều ảnh chụp các cán bộ ngoại giao với Bác Hồ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện đầy ắp tình người. Bà Vũ Thị Đạt xúc động kể: “Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh giản dị, gần gũi của Bác Hồ mỗi khi được gặp Người. Bác thường xuyên quan tâm, hỏi thăm về công việc, về cuộc sống của chúng tôi.

 

Bác dặn, làm lễ tân ngoại giao thì phải thận trọng, chính xác, kịp thời, không lúc nào được lơ là. Sau này, khi tôi sang công tác ở sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, Bác Hồ có dịp sang công tác, có đến sứ quán thăm và chụp ảnh cùng các anh chị em. Gặp ai, Bác cũng hỏi han chuyện nhà cửa, công việc, rồi Bác động viên: Xa gia đình phải cố gắng, xa Tổ quốc thì cũng phải cố gắng làm việc, càng nhớ Tổ quốc thì càng phải làm việc cho tốt… Những lời dạy của Người chúng tôi ghi nhớ mãi trong lòng, cho đến tận hôm nay”.

Trong lần này, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn tiếp nhận Giấy mời tham dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành ngày 9/9/1969, do ông Nguyễn Sinh Tuấn, 82 tuổi, đại diện của dòng họ Nguyễn Sinh làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, trao tặng. Bên cạnh đó là bản chụp các tài liệu "Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Trần Tu Hòa ngày 19/12/1945", bản sao tài liệu "Hồ Chí Minh truyện" của tác giả Trần Dân Tiên xuất bản năm 1949 bằng chữ Hán kèm theo bản dịch tiếng Việt; bộ ảnh tư liệu quý giá về Bác Hồ và các cán bộ ngoại giao.

 

Bên cạnh đó, còn có hàng trăm bức ảnh, hàng nghìn file tư liệu, hình ảnh, và những câu chuyện kể của các nhân chứng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó có ảnh chụp mộc bản khắc ghi lại thông tin về con đường khoa cử của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; tài liệu, bản thảo và ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối quan hệ Việt Nam - Pháp; bản sao 19 bức ảnh tư liệu về hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đó có 7 bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình ông Petr Aleshin, nguyên phóng viên Đài Phát thanh Liên bang Xô Viết tại Liên bang Nga gửi tặng…


Bà Nguyễn Thúy Đức, Quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, việc sưu tầm, các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là công việc thường niên của Bảo tàng, nhằm đáp ứng công tác nghiên cứu trưng bày và tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm phong phú thêm kho tư liệu của Bảo tàng, phát huy giá trị của những di sản quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Bài và ảnh: Phương Lan

Bác Hồ với Hải quân và nhân dân biển đảo
Bác Hồ với Hải quân và nhân dân biển đảo

Quan tâm nhiều về biển đảo quê hương, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các đảo như đảo Tuần Châu, đảo Hòn Rồng, đảo Cồn Cỏ, đảo Cô Tô, đảo Vạn Hoa, đảo Bạch Long Vĩ… để thăm hỏi, dặn dò các chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh biển đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN