Đề xuất nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi

Ngày 19/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề xuất điều chỉnh độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Việt Quế Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, góp ý tại hội thảo.

Theo các đại biểu, hiện Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có quy định độ tuổi trưởng thành đoàn cho đoàn viên là 30 tuổi, tuy nhiên nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn thì được kéo dài đến 35 tuổi. Vì vậy, nếu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi thì sẽ phát huy thêm được kinh nghiệm, sức trẻ, sự cống hiến của thanh niên; đồng thời, việc nâng độ tuổi thanh niên giúp tập hợp được đông đảo lực lượng cống hiến cho sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập.

Ở góc độ khác, ông Lâm Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật đã có những chính sách nhất định đối với thanh niên tình nguyện nhưng thực tế hoạt động thanh niên tình nguyện đôi khi cũng xảy ra những rủi ro nhất định, trong khi đó hành lang pháp lý chưa có. Do vậy, luật hóa chính sách cho thanh niên tình nguyện trong trường hợp xảy ra các vấn đề rủi ro là điều cần thiết.  

Thống nhất với các chính sách cho thanh niên là người khuyết tại tại dự thảo Luật này, tuy nhiên, ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi Luật được ban hành cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Bởi trên thực tế các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật đã khá đầy đủ nhưng khi triển khai lại vẫn còn hạn chế, chưa hiệu quả.

Riêng về chính sách học tập của thanh niên, bà Phùng Thị Diệu Hương, Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất có thêm mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội, để việc phối hợp được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thực tế hiện nay, trong khi Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với thanh niên nhưng sự phối hợp của xã hội và gia đình trong vấn đề học tập của thanh niên lại chưa được thể hiện nhiều. Mặt khác, Luật nên có thêm chính sách tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đang học tập ở nước ngoài cống hiến cho đất nước.

Đóng góp cho dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần bổ sung một điều quy định về các khái niệm, giải thích từ ngữ; cần có quy định về thanh niên chuyển giới, đồng tính; bổ sung quy định của Nhà nước đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức là thành niên trong các cơ quan nhà nước một cách hợp lý; quy định rõ hơn chính sách tuyển thẳng vào vị trí công chức, viên chức đối với thanh niên được cử tuyển; có thêm chính sách với các đối tượng thanh niên đang ở các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 26 điều so với Luật Thanh niên năm 2005.

Tin, ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Đề xuất sửa đổi Luật Thanh niên theo hướng vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể
Đề xuất sửa đổi Luật Thanh niên theo hướng vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể

Sáng 3/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội thảo đề xuất sửa đổi Luật Thanh niên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN