Nhiều bạn trẻ không biết Luật Thanh niên

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, từ thực tiễn 7 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy, một số quy định của luật đã bộc lộ bất cập cần phải được nghiên cứu, bổ sung. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Thanh niên cho phù hợp với Hiến pháp mới cũng là điều cần thiết.


Nguyện vọng của thanh niên


Khảo sát của Bộ Nội vụ đối với 249 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư về Luật Thanh niên cho thấy, có tới 158 sinh viên (63%) không biết đến luật này. Theo TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), kết quả này cho thấy phần nào bất cập của Luật Thanh niên. Đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách (thanh niên) lại thờ ơ với luật, không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của chính bản thân mình. Ông Minh cũng cho rằng, các quy định của luật chưa xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của những người trẻ mà chủ yếu dựa trên năng lực và khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên.

 

Đoàn viên thanh niên quận 7 (TP Hồ Chí Minh) thu dọn rác tại rạch Ông Chồn. Ảnh: Tuấn Minh – TTXVN


Đề cập đến những tồn tại khiến luật chưa đi vào cuộc sống, anh Nguyễn Duy Sơn, Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương cho rằng, Luật Thanh niên năm 2005 chưa lắng nghe tiếng nói của giới trẻ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến thanh niên. Cụ thể, khoản 2, Điều 16 quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội ghi rõ: “Được ứng cử, đề cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác”.

Khoản 2, Điều 23 về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội cũng quy định: “Các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên”. Tuy nhiên, những quy định này chưa nêu rõ hình thức tham gia góp ý của thanh niên vào việc hoàn thiện các chủ trương, chính sách này như: góp ý thông qua phương tiện nào? cách thức ra sao?...


Bên cạnh đó, luật cũng không quy định cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích để thanh niên tham gia đóng góp trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật khiến thanh niên chưa thực sự phát huy được khả năng của mình.


Cần chính sách cho thanh niên tình nguyện


Cũng theo anh Sơn, một bất cập nữa trong luật là những quy định về trách nhiệm của gia đình, xã hội và các tổ chức trong việc thực thi quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích thực hiện, chứ chưa quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.


Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Đăng Minh nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Vì thế, Luật Thanh niên cũng cần bổ sung làm rõ quy định này trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Ông Minh cũng cho rằng, Hiến pháp mới đã làm rõ hơn các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Do đó, luật cần sửa đổi để làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo quy định tại Hiến pháp bởi những quy định hiện nay còn quá chung chung, thiếu cụ thể, chưa phân định rõ đâu là quyền, đâu là nghĩa vụ của thanh niên, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng và triển khai thực hiện.


Để đến gần hơn với thanh niên, anh Nguyễn Duy Sơn đề xuất, luật cần quan tâm nhiều hơn đến những hoạt động mà thanh niên tham gia. Trong những năm gần đây, phong trào tình nguyện đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên cả nước, thu hút được sự tham gia của rất nhiều người trẻ. Trước thực tiễn này, Luật Thanh niên cần có chính sách nhằm cổ vũ, khuyến khích cũng như đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên.


Dưới góc độ nghiên cứu nguồn nhân lực, GS. TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, để xây dựng luật phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của thanh niên, cần đặt đối tượng này vào trung tâm nguồn lực xã hội. Theo ông Cử, Việt Nam đang bước vào giai đoạn “dân số vàng” và để tận dụng được cơ hội này đòi hỏi nguồn nhân lực có sức khỏe, có trình độ chuyên môn cao. “Từ thực tế đó, theo tôi, Luật Thanh niên cần tập trung thích đáng vào nội dung ‘Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ’. Đây là nội dung cần phải ưu tiên số 1 bởi sau khi được đào tạo, nâng cao sức khỏe thì thanh niên có thể lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc được tốt hơn. Thanh niên có quyền được tư vấn đầy đủ về nghề nghiệp, tư vấn về sức khỏe sinh sản, tình yêu, tình dục, giới, kỹ năng sống và dựng xây gia đình hạnh phúc”, GS. TS Nguyễn Đình Cử đề xuất.

 

Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN