Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất “mỗi người chỉ sở hữu một xe ô tô, một biển kiểm soát” của cán bộ cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú cho biết, đề xuất này sẽ được đề cập tới trong cuộc họp của Chính phủ chiều nay (23/1).
Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu. |
Từ góc độ pháp luật dân sự - kinh tế, ông Nguyễn Thanh Tú phân tích, đề xuất của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội chưa hoàn toàn hợp pháp, chưa hợp lý, chưa phải phương án tối ưu trong bối cảnh chúng ta tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản.
“Nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản thì không phù hợp theo Hiến pháp, bởi Hiến pháp quy định việc hạn chế các quyền này phải theo quy định của luật, vì lý do quốc phòng an ninh hoặc sức khỏe cộng đồng”, ông Tú nhấn mạnh.
Về quan điểm cá nhân, ông Tú cho biết để giải quyết ùn tắc giao thông thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước.
“Muốn hạn chế xe cá nhân thì có thể thu thuế, thu lệ phí trên đầu phương tiện. Ví dụ người muốn sở hữu xe ô tô thứ 2, thứ 3 trở lên sẽ bị đánh thuế rất cao, thậm chí có nước còn quy định phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm phải chịu thuế, phí cao hơn”, ông Tú phân tích.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cũng cho biết các ban ngành vẫn đang bàn bạc các giải pháp để tìm ra phương án tốt nhất nhằm hạn chế xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông. “Giải pháp tốt nhất phải vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền đi lại của công dân”, ông Hiển khẳng định.