Nhóm Đối thoại Giáo dục Việt Nam, một mạng lưới các học giả tại các trường ĐH lớn trong và ngoài nước, trong đó có GS Ngô Bảo Châu ngày 31/7 - 1/8 đã tổ chức diễn đàn đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, mở đầu cho hoạt động trao đổi thường niên của các trí thức tâm huyết, nhằm tìm các giải pháp đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.
Trong 5 phiên thảo luận, vấn đề tự chủ của các trường ĐH và vấn đề đội ngũ các giảng viên của các trường là những điểm nhấn đáng chú ý
Tự chủ, tự chủ hơn nữa
Theo GS Ngô Bảo Châu muốn cải cách giáo dục ĐH, điều tiên quyết là thay đổi và cải tổ phương thức quản trị cho các trường ĐH.
Giờ học thực hành tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG - TP Hồ Chí Minh) hiện là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc đào tạo theo chuẩn mực quốc tế. Ảnh:Phương Vy-TTXVN |
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tự chủ đại học bao gồm tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật. Ở Việt Nam quyền tự chủ đã được ghi nhận trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH nhưng nhà nước vẫn kiểm soát. Việc phát triển trường vẫn do các yếu tố ngoài trường quyết định, trong khi việc chia tách, sát nhập do cơ quan chủ quản quyết định, hội đồng trường không có thực quyền.
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân thì cho rằng, Bộ GD-ĐT nói giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng trên thực tế việc tự chủ ấy vẫn mang tính nửa vời và bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định. Đặc biệt ngành nào cũng giữ khư khư luật của mình.
Theo Bộ trưởng Quân, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Nghị định của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ giao biên chế nghiên cứu viên cho các ĐH. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ chỉ giao biên chế theo luật công chức và viên chức, không giao biên chế nghiên cứu từ năm 2003. “Bộ Nội vụ không giao biên chế nghiên cứu, làm sao Bộ Tài chính có căn cứ để cấp kinh phí cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Lắng nghe hết 5 phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH vẫn còn rất nhiều thách thức.
Về tự chủ học phí và tài chính, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cách đây hai tuần, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về đào tạo chất lượng cao, các trường có thể thu tương xứng với chất lượng đào tạo. Song song, trường có thể chủ động việc trả lương.
Người thầy đi đầu trong nghiên cứu khoa học
GS Ngô Bảo Châu trong bài “Xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam”, tỏ ra lo ngại về chất lượng chung của đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các đại học Việt Nam. Điều đáng nói là quy trình xây dựng và cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các đại học Việt Nam hoàn toàn ngược với quy trình các trường đại học các nước tiên tiến.
Làm cách nào để xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, và khơi thông nguồn năng lực giảng dạy cũng như nghiên cứu của họ là điều được các nhà khoa học, nhà quản lý đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, về “tạo nguồn” đội ngũ cán bộ, giảng viên, đa số sinh viên suất sắc được giữ lại trường, trong nhiều trường hợp được hỗ trợ để tiếp tục du học, làm luận văn tiến sĩ ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo GS Ngô Bảo Châu, phương pháp “tạo nguồn” mang nặng tính chủ quan. Các trường chỉ ưu tiên tuyển chính những người mình đào tạo ra, những đối tượng mình “quy hoạch”. Còn những người “buộc phải về trường cống hiến” sau khi được tạo điều kiện du học, thì sự ràng buộc này cũng cực kỳ thiếu linh hoạt cho cả cá nhân những giảng viên “được đi”, và cho quy hoạch cán bộ của trường.
Một hạn chế nữa ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ giảng viên, là quy trình tuyển chọn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu hiện đang tuân thủ các quy định chung của tuyển chọn công chức, viên chức, hầu như không có các yếu tố đặc thù cho môi trường hàn lâm. Do vậy, theo đề xuất của các GS, cấu trúc của Hội đồng tuyển chọn phải bao gồm những giáo sư giảng dạy tại khoa, có uy tín về khoa học, và quyền quyết định phải phụ thuộc vào các khoa.
“Nói tóm lại, quy trình tuyển chọn cần phải được minh bạch hóa: tuyển ứng viên với một quy trình mở, ai được nộp đơn, ai được tuyển, dựa trên tiêu chí gì, kết quả như thế nào, v.v. Trong tuyển chọn phải ưu tiên hàng đầu tiêu chí khoa học, và trả quyền quyết định về cho những người có thẩm quyền khoa học” - các GS đề xuất.
Việc bổ nhiệm giáo sư ở nước ta được giao cho Hội đồng chức danh giáo sư. “Nếu bản thân các trường nhận thức đầy đủ vai trò tự chủ khoa học của mình, họ sẽ phải chủ động đi tìm những nhà khoa học xuất sắc về đầu quân cho mình, và tìm cách cải thiện tính hấp dẫn của vị trí giáo sư”. GS Ngô Bảo Châu đề xuất. Điều này, hy vọng sẽ góp phần làm chuyển biến mạnh chất lượng nghiên cứu và giảng dạy của các trường.
Đáng nói nhất là chế độ thu nhập của đội ngũ giảng viên. Chế độ thu nhập cứng nhắc hiện tại là khó khăn cho chính sách nhân sự đại học. Trong các đề xuất của mình, GS Ngô Bảo Châu khẳng định: Cần nới lỏng hệ thống thu nhập: bên cạnh thu nhập thông thường theo thang lương công chức, cán bộ khoa học giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt với nguồn từ trong và ngoài ngân sách, do các trường đại học chủ động quyết định. Thậm chí, cần thiết lập cơ chế và chính sách để “tận dụng nhân lực thời vụ cao cấp”, và “lấy thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học”!.
T.H