Để Tây Nguyên bình yên, phát triển - Bài cuối: Nghị quyết 23 tạo bước đột phá

Tây Nguyên những ngày cuối tháng 6, những cơn mưa dông rải rác tưới mát cho các nương rẫy, cánh rừng, làm bừng lên sức sống trù phú của vùng đất đỏ bazan. Trên nương rẫy, bà con chuẩn bị cho một mùa rẫy mới.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo Quân đoàn 3 trao quà trong lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết từ nguồn Quân đoàn 3 ủng hộ cho gia đình ông Gưn, làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Trong căn nhà gỗ còn tuềnh toàng, đơn sơ, vẫn giữ phong cách sống của đồng bào dân tộc H’mông, Lầu A Say (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết anh vừa đi làm rẫy về. Cuộc sống ở quê còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khó canh tác, năm 2015, theo người quen, anh Lầu A Say đưa cả gia đình 5 người di cư từ Lào Cai vào đây sinh sống, làm rẫy, trồng cà phê.

Tuy cái nghèo vẫn đeo bám, nhưng với sự ưu đãi của thiên nhiên, cộng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn xưa, không còn cảnh đứt bữa.

Cầm chiếc thẻ bảo hiểm y tế trên tay, anh Lầu A Say rưng rưng: "Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm". "Không có nhà nước, không có thẻ bảo hiểm, mình không có tiền chữa bệnh đâu. Có thẻ bảo hiểm, mình đỡ được tiền mua thuốc, có nhà nước lo cho".

"Thằng con mình té xe, nó đi mua kẹo bị người ta tông vào, nằm 20 ngày ở Bệnh viện tỉnh Đắk Nông. Mình cũng nằm viện 15 ngày ở Bệnh viện huyện Đắk Glong", anh Say kể về thời điểm tháng 2 và tháng 7/2019, hai bố con anh phải nhập viện và chiếc thẻ bảo hiểm y tế trở thành cứu cánh cho gia đình trong lúc nguy nan.

Không biết tổng chi phí điều trị trong thời gian nằm viện của hai bố con hết bao nhiêu tiền, nhưng nếu không có bảo hiểm y tế thì riêng việc mổ chân đã phải chi 20-25 triệu đồng. Ngoài tiền viện phí được Nhà nước chi trả hoàn toàn, anh còn được hỗ trợ tiền ăn với mức hơn 20.000 đồng/ngày.

Chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong rất nhiều chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Nhờ chính sách này, nhiều người như anh Say yên tâm đi khám, chữa bệnh.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 120/2020/QH14, mở đường cho Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu... đồng thời cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn văn hóa, thông tin tuyên truyền, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe…

Riêng giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước gần 115 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Gần đây nhất, tháng 10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với kỳ vọng tạo sức bật cho vùng đất giàu tiềm năng này. Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững, trong đó kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là quan điểm được đặt lên hàng đầu.

Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ Chính trị đặt ra, bao gồm phát triển kinh tế với trọng tâm, trụ đỡ là nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến là động lực; du lịch là đột phá. Đi liền với đó là phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp.

Và một yếu tố quan trọng khác là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị... Xác định buôn làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở ở Tây Nguyên.

Ổn định để phát triển

Chú thích ảnh
Mô hình “Trình diễn lúa nước” của Đồn Biên phòng Ia Mơ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) cho năng suất cao, giúp hàng trăm hộ dân tộc thiểu số tại làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông thoát nghèo. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Là vùng đất rộng, trù phú, dân cư còn thưa thớt, nên những năm qua, lượng người di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tới vùng Tây Nguyên khá nhiều, tạo nên đặc trưng riêng có của vùng đất này. 5 tỉnh Tây Nguyên là nơi hội tụ của cộng đồng 54 dân tộc anh em, hình thành bức tranh đặc sắc, đa dạng về dân tộc, tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng, đòi hỏi phải thực hiện tốt các chính sách phát triển, thực hiện hài hòa các chính sách dân tộc, tôn giáo.

Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp 2013, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước luôn khẳng định quan điểm cốt lõi là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; bảo đảm các tôn giáo bình đẳng với nhau và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta cũng thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá chế độ, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên diễn ra chiều 7/7/2023, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt quan tâm giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp đặc điểm tình hình địa bàn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị.

"Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Bài toán ổn định và phát triển cho Tây Nguyên không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, mà cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để đồng bào nhận thấy được quan tâm và được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước, được phát huy vai trò, vị thế. 

Cần đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, xử lý kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây chia rẽ.

Trong công tác cán bộ, phải đặc biệt chú trọng vai trò, vị trí của đồng bào dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, trong đoàn thể xã hội, tôn trọng ý kiến của đồng bào. Trong công tác dân vận, Mặt trận, cần phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, chức việc. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác nắm tình hình, diễn biến dư luận, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Về phía người dân, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của chính bản thân và gia đình mình, cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; đoàn kết, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đứng lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có truyền thống yêu nước, thấu hiểu được giá trị của tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Học sinh các cấp tỉnh Kon Tum biểu diễn cồng chiêng kết hợp múa xoang tại các hội diễn ở địa phương. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Hòa hợp, đoàn kết dân tộc, tôn giáo là điều kiện căn cốt tạo nên sức mạnh đưa Tây Nguyên phát triển bền vững. Đi trên con đường quốc lộ 14 thênh thang với những hàng thông xanh mát, những rặng hồ tiêu mướt mắt, vườn café bạt ngàn, những lời ca đẹp trong bài hát "Nỗi nhớ cao nguyên" thêm vang vọng, thiết tha: Rồi đi xa thấy nhớ/Nhớ cao nguyên chờ đợi... Rồi đi xa thấy nhớ/Đêm cao nguyên lửa trại/Đêm âm thanh của rừng/Đêm rượu cần men say/Tôi như say tiếng cồng chiêng/Tôi như say hương cao nguyên đại ngàn/Tôi như say đất đỏ bazan/Tôi như say đất trời thênh thang…

Nơi đại ngàn hùng vĩ, tiếng chiêng, tiếng cồng vẫn rộn vang nơi buôn làng, những tiếng đàn T'rưng trong trẻo, thánh thót... như tăng thêm sức sống mãnh liệt của vùng đất Tây Nguyên kỳ bí. Mai đây, những tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Nha Trang - Buôn Mê Thuột, Đắk Nông - Bình Phước, Quy Nhơn - Pleiku… nối các cực tăng trưởng được hình thành, cùng với những chính sách vượt trội, Tây Nguyên sẽ bứt phá vươn lên.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Để Tây Nguyên bình yên, phát triển - Bài 3: Sinh kế bền vững, hóa giải nguy cơ
Để Tây Nguyên bình yên, phát triển - Bài 3: Sinh kế bền vững, hóa giải nguy cơ

Tây Nguyên với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật, nhưng để ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho gần 6 triệu đồng bào nơi đây, cùng với sự quan tâm của hệ thống chính trị, sự nỗ lực của bà con, cần có những giải pháp căn cơ cho các vấn đề về đất đai, phát triển nông lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái... từ đó hóa giải những nguy cơ mất ổn định về an ninh trật tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN