Đề nghị xử lý doanh nghiệp có tư tưởng đánh đổi môi trường

Phát ngôn gây sốc của đại diện Formosa “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy thép hiện đại!” đã khiến dư luận bức xúc. Xung quanh vấn đề này, báo Tin Tức ghi nhận ý kiến phản hồi của các chuyên gia.

Xem xét lại quan điểm đánh đổi

Mới đây, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã trả lời báo chí về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển. Theo đó, việc ông Chu Xuân Phàm thừa nhận “việc xả thải ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, vì nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên” và “Nhiều khi mình không được cả hai, mình phải lựa chọn. Muốn bắt cá, tôm hay xây dựng nhà máy hiện đại” đã khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Tôi chưa theo dõi hết phần trả lời của ông Phàm tôi cho rằng, tư tưởng đó là không phù hợp”.

Theo ông Thắng, việc phát triển kinh tế cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo vệ môi trường sinh thái là để phát triển và không đánh đổi bằng bất cứ điều gì. Ông Thắng cũng cho rằng, đây là quan điểm của ông Phàm chứ chưa chắc đã phải là quan điểm của nhà máy Formosa.

Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển. Ảnh Trần Tĩnh - TTXVN

"Dự án này là do Trung ương chấp nhận cho đầu tư thì cần phải có ý kiến của người quản lý cao nhất là chủ nhà máy. Nếu ông Phàm nói theo chỉ đạo của ông chủ nhà máy thì chúng ta phải xem xét xử lý. Còn nếu là riêng quan điểm của ông này thì nó không thích hợp với Việt Nam và công ty nên có xử lý", ông Thắng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm đó, ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin Hội Nghề cá Việt Nam cũng cho rằng, những phát biểu của ông Phàm cho thấy sự không hiểu biết về phát triển bền vững. Ông Lựu nhấn mạnh, không phải công nghiệp sắt thép mà bất cứ công nghiệp nào cũng vậy, chúng ta không đánh đổi với việc hủy hoại môi trường. Nguyên tắc của phát triển bền vững là phải đảm bảo về an toàn môi trường, lợi ích về kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội. Không có chuyện đánh đổi cái này bằng cái kia.

Cũng theo ông Lựu, trên thế giới, nhiều nước phát triển công nghiệp tiên tiến đã đóng cửa các nhà máy lạc hậu, nhất là các nhà máy nhiệt điện. "Như ở Canada họ đã tiến hành loại bỏ hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm hay một số nước đã đóng cửa vô điều kiện các nhà máy lạc hậu, gây ô nhiễm. Chúng tôi cũng đề nghị dối với các công ty, nhà máy nào có tư tưởng đánh đổi như vậy thì Chính phủ cần đóng cửa. Bởi đóng cửa sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta rất nhiều so với lợi ích nhận được từ họ", ông Lựu nói thêm.

Bài học về quản lý môi trường

Một chuyên gia về môi trường cho rằng, Việt Nam là 1 trong 175 nước vừa ký Hiệp định chống biến đổi khí hậu ở New York nên việc chọn cái này để đánh đổi bằng cái kia là không thể được. Nhưng cũng qua vụ việc Formosa vừa rồi, chúng ta cũng cần xem xét lại việc quản lý môi trường hiện nay.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội thiên nhiên và môi trường biển, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ý kiến của đại diện Formosa là lời cảnh báo về vấn đề quản lý môi trường. Nhà máy mới thử đi vào vận hành mà đã có những câu chuyện như vậy, thì khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động trong tương lai, thì chúng ta phải tính đến việc nước xả thải sẽ nhiều hơn, thường xuyên hơn và mức độ ô nhiễm sẽ lớn hơn.

“Chúng ta cần phải xem xét, mức ô nhiễm môi trường biển ở tầm quốc tế. Vì biển là ‘môi trường xuyên biên giới’, từ con cá hay dòng chảy trên biển có thể mang chất độc đến nhiều nơi. Ô nhiễm ở một nơi sẽ không chỉ ảnh hưởng đến địa phương đó, quốc gia đó mà sẽ ảnh hưởng đến những địa phương và quốc gia khác”, ông Hồi nói.

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, trong bài toán phát triển kinh tế, không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Câu chuyện vừa qua ở miền Trung cho thấy ô nhiễm môi trường có tác động rất lớn. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của nghề cá trên biển và đời sống của ngư dân mà ngành kinh tế du lịch biển của các địa phương cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, nền kinh tế biển của cả nước cũng bị ảnh hưởng.Việt Nam cũng cần phải xem xét bài học từ những nước khác đã gặp phải những sự cố tương tự. Chúng ta có lợi thế của người đi sau, nên cần xem xét việc chấp nhận đánh đổi hay không?

Các chuyên gia môi trường đề xuất cần quản lý chặt chẽ môi trường tại các khu công nghiệp về đánh giá tác động môi trường và sự giám sát thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Không thể để như hiện nay, khi Formosa thực hiện tự giám sát việc xả thải, việc này không khác gì vừa “đá bóng vừa thổi còi”. Từ đó, chúng ta cũng cần xem xét xây dựng quy trình giám sát cụ thể, do cơ quan quản lý đứng ra chứ không thể để doanh nghiệp tự giám sát. Quy trình giám sát cần quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và xử lý như thế nào nếu xảy ra sự cố. Bên cạnh đó cũng cần có sự phân loại và xác định về thảm họa môi trường, ứng phó ra sao và có sự kiểm tra, kiểm soát như thế nào.

Trung Hiếu
Ngư dân miền Trung lại ra khơi bất chấp mối lo cá ế
Ngư dân miền Trung lại ra khơi bất chấp mối lo cá ế

Hàng chục hộ dân các xã vùng biển thuộc thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã ra khơi đánh bắt thủy, hải sản sau nhiều ngày phải ở nhà do cá chết xảy ra ở vùng biển này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN