Ngư dân xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh vận chuyển sứa lên bờ để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Công Tường-TTXVN |
Trong những ngày qua, sau sự việc hải sản cá, tôm, ngao chết hàng loạt do độc tố có trong nước biển làm cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản và bà con làm ngư nghiệp vùng ven biển thuộc xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam và phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh thiệt hại rất lớn. Hàng trăm hộ làm ngư nghiệp với hàng trăm tàu thuyền phải nằm bờ do rất nhiều người tiêu dùng quay lưng với hải sản. Tuy nhiên, những ngày này, một số ngư dân vùng biển đã ra khơi bám biển.
Có mặt tại vùng biển xã Kỳ Ninh, nơi cách đây không lâu nhiều hộ dân phải gánh chịu hậu quả cá chết, nay ngư dân đã chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh bắt cá, đánh bắt sứa. Các hộ nuôi trồng thủy, hải sản tiếp chăm sóc, đầu tư bè nuôi, hồ nuôi của mình.
Nhiều ngư dân xã Kỳ Ninh đã ra khơi đánh bắt cá về để đảm bảo nguồn thực phẩm trong gia đình. Ông Nguyễn Văn Đông thôn Chiến Thắng xã Kỳ Ninh cho biết, vợ chồng ông từ sáng đến trưa đánh bắt được 5kg cá, chủ yếu là cá trích, cá đù, cá ong. Số cá này ông đem về cho gia đình và những người thân trong đại gia đình ăn.
Ông cho biết thêm, khoảng vài tuần ở đây có hiện tượng cá chết rất nhiều chủ yếu là cá tầng đáy, sau đó ông không dám ra biển đánh bắt cá nữa và đánh cá về bán cũng không ai mua. Nhưng giờ ông đã ra khơi đánh cá và chỉ để dùng trong gia đình chứ không bán vì bán sợ chưa ai dám mua.
Tại xã Kỳ Ninh còn có hơn 10 thuyền đánh bắt sứa về nhập cho cơ sở sản xuất, chế biến sứa của bà Đặng Thị Luận đóng trên địa bàn. Cơ sở sản xuất chế, biến sứa có diện tích khoảng 1.000m2 với 5 công nhân đang thu mua và chế biến sứa. Mỗi ngày, cơ sở này thu mua hàng chục tấn sứa về chế biến, làm sạch đem xuất khẩu, một phần tiêu thụ nội địa.
Anh Lê Phước Dũng, cán bộ thu mua sứa của cơ sở sản xuất, chế biến sứa này cho biết: "Trước khi chưa có hiện tượng cá chết mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 50 tấn sứa, tuy nhiên gần đây người dân không ra khơi, nhưng hiện nay đã có hơn chục hộ đã đánh bắt sứa về nhập cho chúng tôi. Hiện trong ngày hôm nay chúng tôi nhập được 5 tấn sứa".
Bà Hồ Thị Lệ, thôn Chiến Thắng xã Kỳ Ninh vui vẻ nói: “Thuyền của tôi có 4 người hôm nay đánh bắt được 7 tạ sứa bán được hơn 1 triệu đồng. Hôm nay đã cuối mùa nên chúng tôi đánh bắt được ít và bán với giá từ 1.600 đồng đến 2.000 đồng/kg tùy theo loại”.
Báo cáo của UBND xã Kỳ Ninh thống kê thiệt hại sự việc cá và hải sản chết có trên 36 vạn cá giống các loại của 8 hộ lồng bè nuôi trên sông gần biển cho thấy thiệt hại khoảng 450 triệu đồng; trong đó có hộ anh Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đường thiệt hại rất lớn. Ngoài ra, người dân vớt được hàng tạ cá chết ven bờ biển đem chôn. Sự việc cá chết đã làm ảnh hướng đến đời sống kinh tế của các hộ nuôi trồng thủy, hải sản và trên 100 tàu thuyền, đánh bắt cá phải nằm bờ do cá đánh bắt về không tiêu thụ được. Một số hộ kinh doanh, dịch vụ ven biển không có khách.
Ông Lê Công Đường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh nói: "Trong khi đang chờ kết luận của vụ việc có độc tố trong nguồn nước dẫn đến cá chết hàng loạt, chúng tôi tuyên truyền vận động người dân bình tĩnh, theo dõi tình hình sự việc và chuẩn bị phương tiện ngư cụ để có thể ra khơi đánh bắt cá. Trước mắt chúng tôi thống kê đầy đủ mức độ thiệt hại, báo cáo cơ quan chức năng để có hướng hỗ trợ cho những người thiệt hại".
Không chỉ tại Kỳ Ninh mà các hộ nuôi cá lồng, bè ở các xã Kỳ Hà, cơ sở nuôi tôm Công ty trách nhiệm hữu hạn Grow Best ở phường Kỳ Phương tiếp tục sản xuất, chăm nuôi cá và tôm phát triển bình thường sau sự cố cá chết. Ngư dân đã từng bước khôi phục, sản xuất, ra khơi bám biển.
Tại tỉnh Hà Tĩnh cá tôm, ngao bắt đầu chết từ ngày 6 đến ngày 8/4. Cá chết vào lúc thủy triều lên và diễn ra rất nhanh. Các hộ nuôi cá lồng bè và cá tự nhiên ở Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Phương, Kỳ Hà bị thiệt hại rất nhiều. Ước tính hơn 2.000 kg cá lồng bè và các loại tôm, ngao đã bị chết, thiệt hại 4,71 tỉ đồng. Khoảng 15 tấn cá tự nhiên cũng bị chết.
Hiện nay, các hộ dân làm nghề ngư nghiệp vùng biển của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh đã quay trở lại đánh bắt cá, đánh bắt sứa trên biển sau những ngày lo lắng và bị người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm hải sản, đặc biệt là nguồn thực phẩm biển.