Cùng đi với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Trung ương.
Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra cơ sở nuôi tôm ở Công ty TNHH Grow Best tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Công Tường-TTXVN |
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác thực trạng cá nuôi lồng bè, cá tự nhiên, tôm, ngao ở các xã vùng biển thuộc thị xã kỳ Anh, huyện Kỳ Anh bị chết trong những ngày qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo 4 tỉnh có thiệt hại về thủy sản là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thống kê đầy đủ, chính xác số lượng cá và hải sản của các hộ dân, các cơ sở nuôi trồng bị chết, từ đó kịp thời hỗ trợ cho các hộ nuôi; các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phải có trách nhiệm và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Các đơn vị, doanh nghiệp chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng các vụ việc liên quan đến môi trường để cùng phối hợp xử lý vụ việc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất quy mô lớn có hệ thống khí thải, nước thải và tiếng ồn.
Các đơn vị chỉ đạo các cơ sở sản xuất có quy mô lớn xây dựng hệ thống quan trắc tự động và nối mạng trực tiếp với các Sở Tài Nguyên và Môi trường để có sự giám sát, theo dõi kịp thời những vấn đề liên quan đến môi trường.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc.
Trước mắt, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế rà soát mức độ thiệt hại, số lượng thiệt hại, từ đó có phương án hỗ trợ cho những cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản, hộ nuôi lồng bè.
Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân hiểu và ra khơi bám biển, người tiêu dùng nhận biết và sử dụng các sản phẩm chất lượng, không tung tin, đồn đoán thất thiệt làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, cá tôm, ngao bắt đầu chết từ ngày 6 đến ngày 8/4. Cá chết vào lúc thủy triều lên và diễn ra rất nhanh. Các hộ nuôi cá lồng bè và cá tự nhiên ở Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Phương, Kỳ Hà bị thiệt hại rất nhiều.
Ước tính hơn 2.000 kg cá lồng bè và các loại tôm, ngao đã bị chết, thiệt hại 4,71 tỉ đồng. Khoảng 15 tấn cá tự nhiên cũng bị chết. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 30 đến 50 tấn cá tự nhiên chết trôi dạt vào bờ được thu gom xử lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời cử các đoàn công tác tiến hành quan trắc môi trường, lấy mẫu phân tích các mẫu nước, mẫu cá và các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các đối tượng nuôi gần biển chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước mà do độc tố có trong nước.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản tại một số hộ nuôi lồng bè ở xã Kỳ Hà và cơ sở nuôi tôm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Grow Best (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) bị thiệt hại do cá và tôm chết. Phó Thủ tướng lưu ý bà con tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, động viên bà con tiếp tục chăm sóc số lượng cá, tôm còn lại để sớm hồi phục sản xuất.