Thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội đã phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý trách nhiệm, bất kể đó là ai, kể cả người đó đã về hưu.
Tuy nhiên, qua vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng cho thấy, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ về hưu còn nhiều lúng túng do chưa có quy định cụ thể. Một số hình thức xử lý như phê bình, xoá tư cách của cán bộ khi đương chức… được đánh giá là chưa thoả đáng, không đảm bảo tính răn đe cũng như ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng cho thấy việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ về hưu còn lúng túng do chưa có chế tài cụ thể. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Lý do là bởi cán bộ nghỉ hưu không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định khác có liên quan. Vì vậy, cán bộ nghỉ hưu nếu không bị xử lý hình sự thì cũng không thể bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc bị kỷ luật. Từ đó, cán bộ về hưu vẫn có thể “hạ cánh an toàn”.
Thực tế này cho thấy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là cần thiết để xử lý thích đáng đối với người về hưu, khi mà đương chức hoặc sắp về hưu, họ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Để đáo ứng yêu cầu này, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung quy định về xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ nghỉ hưu. Cụ thể, khoản 4 điều 12 dự thảo Luật quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức, viên chức trước khi nghỉ hưu công tác giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã nghỉ hưu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp trước đó công tác giải quyết”.
Thống nhất với việc dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc này thể hiện rõ quan điểm người nào vi phạm pháp luật dù về hưu hay chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình khi còn đương chức.
“Muốn xử lý, xác định việc này thì phải xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Vừa rồi chúng ta cũng phải giải quyết một số trường hợp bị kỷ luật dù đã về hưu, Quốc hội rất tán thành việc này và trong việc sửa đổi lại các dự án luật cũng phải tính tới”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Tuy nhiên, để truy trách nhiệm đối với cán bộ nghỉ hưu thì cần xây dựng quy định và các chế tài cụ thể. Ông Nguyễn Văn Ngoạn, Đảng viên 50 năm tuổi Đảng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc xử lý trách nhiệm cần được quy định cụ thể trên cả 3 mặt: trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm hình sự và xử lý về mặt Đảng.
Theo đó, việc quy định bồi thường đối với cán bộ, công chức về hưu còn nhiều hạn chế, mức bồi thường thấp nên không đủ sức răn đe. Do vậy, khi đương chức gây ra thiệt hại cho Nhà nước thì khi về hưu phải quy trách nhiệm và yêu cầu bồi thường với mức tương xứng, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế, tịch thu tài sản riêng để bồi thường cho Nhà nước.
Trong trường hợp, khi đương chức, cá nhân lãnh đạo thiếu trách nhiệm đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước, cho công dân hoặc liên quan đến tham nhũng mới bị phát hiện, nếu đủ yếu cấu thành tội phạm thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả người đó đã về hưu, buộc họ phải chịu chế tài của pháp luật.
Đặc biệt, phải xử lý về mặt Đảng. Khi đương chức để xảy ra sai phạm đến mức phải kỷ luật Đảng thì về hưu cũng phải xử lý nghiêm khắc mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục và ngăn ngừa vi phạm.