Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển du lịch
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" vừa được tổ chức đã thu hút đông đảo các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch và các ngành liên quan; các chuyên gia nghiên cứu kinh tế.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước dịch COVID-19 (năm 2019), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần so với năm 2015, đạt 18 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam.
Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019. Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 150% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng quan điểm phát triển du lịch là cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội vào cuộc; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa", sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có.
Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể, liên kết với phát triển du lịch của thế giới và khu vực; phát triển du lịch theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có…
Cảnh báo lừa đảo "Con đang cấp cứu" để chiếm đoạt tài sản
Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây mạo danh nhà trường hoặc bệnh viện thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con là thủ đoạn lừa đảo mới đã xuất hiện tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ đoạn của các đối tượng là tự xưng nhân viên y tế, giáo viên, cán bộ cơ quan chức năng để gọi điện cho bố mẹ hoặc người thân khác của học sinh thông báo học sinh bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp để cấp cứu kịp thời.
Sau đó, đối tượng tiếp tục gọi điện cho người thân học sinh báo tin bác sỹ tại bệnh viện vừa thông báo tình trạng nguy kịch của học sinh, hối thúc người thân chuyển tiền. Tiếp theo, đối tượng đóng giả nhân viên y tế trực tiếp trao đổi với thân nhân học sinh về tình trạng sức khỏe của con em họ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng để họ nhanh chóng chuyển tiền.
Điển hình như vụ việc mà anh L.X.H (43 tuổi, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) đã gặp phải: Vào khoảng hơn 15 giờ ngày 13/3, khi đang làm việc, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói: "Em là cô giáo của L.T.M., con bị tai nạn ở trường, đang vào Bệnh viện 354, gia đình vào luôn nhé".
Vì con gái của anh L.X.H đúng là tên L.T.M. (hiện đang là sinh viên năm thứ 2 tại một trường Đại học ở Hà Nội), anh rất hoảng hốt. Anh gọi điện ngay cho vợ để báo tin, đồng thời xin nghỉ làm sớm để vào bệnh viện. Mấy phút sau, anh L.X.H. tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ 2.
Khi anh L.X.H. hỏi về tình hình của con, người tự xưng là cô giáo chỉ lấp lửng: "L.T.M ngã cũng nặng anh ạ. Anh cứ vào viện đi", sau đó còn đưa máy cho anh nói chuyện với bác sĩ. Người xưng là bác sĩ nói: "Cháu ngã từ tầng 3 xuống, chảy máu tai nhiều, có thể chảy máu não, khả năng cao bị chấn thương sọ não".
Anh L.X.H. kể, lúc đó còn nghe thấy cả tiếng còi cấp cứu nên mất bình tĩnh, không còn nghĩ được gì nhiều và nhanh chóng đi tới bệnh viện. Đang đi trên đường, anh L.X.H. nhận được cuộc gọi thứ 3. "Cô giáo" nói là vì đi gấp nên không mang theo tiền, trong khi bệnh viện yêu cầu nộp tiền trước mới làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật cho bệnh nhân được, đề nghị anh chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nhân viên bệnh viện.
Anh L.X.H. dừng xe ở đường rồi chuyển khoản 40 triệu đồng vào số tài khoản mà bên kia gửi. Chuyển tiền xong, anh L.X.H. gọi về cho bố, bảo ông cầm thêm tiền vào bệnh viện, nếu có vấn đề gì còn xử lý luôn. Bố anh L.X.H. nói: "L.T.M đang ở nhà mà". Lúc này, anh L.X.H. mới biết là mình đã bị lừa.
Trước thủ đoạn nêu trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin nếu nhận được cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện. Khi phát hiện dấu hiệu khả nghi, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để thông báo và nhờ hỗ trợ.
Trước đó, ngày 14/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 677/SGDĐT-CTTT-KHCN gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cùng Hiệu trưởng các trường học thuộc Sở về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để phòng, chống hiệu quả hành vi lừa đảo trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo cha, mẹ học sinh nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh; đồng thời tăng cường phối hợp thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình, thông báo số điện thoại đường dây nóng của trường đến cha, mẹ học sinh và công khai trên Cổng thông tin điện tử của trường.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư
Chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trăn trở nhiều năm, đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Uỷ ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty là mô hình mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trước đó và tham khảo kinh nghiệm thế giới, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, bản thân nền kinh tế cũng có nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết.
Năm 2022, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và sau đó ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành có liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban và các doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết, có trách nhiệm với nhau, chủ động, tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 tập đoàn, tổng công ty. Các doanh nghiệp phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, không trông chờ, ỷ lại, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và Chính phủ sẽ tích cực, khẩn trương xử lý các đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Thủ tướng nhắc lại, việc triển khai nhiệm vụ năm 2023 có khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và các chính sách khác; điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng. Đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại trên cơ sở chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, thích ứng điều kiện mới và hoàn cảnh Việt Nam.
Khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2023
“Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo" là chủ đề của Hội Báo toàn quốc năm 2023 diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
Hội Báo toàn quốc 2023 thu hút 87 gian trưng bày các ấn phẩm báo Xuân, ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2022 và quý I năm 2023, với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó là các gian trưng bày chuyên đề tiêu biểu của các Liên Chi hội: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông… và sự tham gia hoạt động của khối các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng báo chí, khu trưng bày của các đơn vị cung cấp trang thiết bị báo chí - truyền thông hiện đại.
Cũng tại Hội báo toàn quốc đã diễn ra lễ phát động "Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023"; Lễ Khai mạc Triển lãm ảnh "Những nẻo đường xuân".
Hội Báo toàn quốc năm 2023 là sự kiện lớn của báo giới cả nước chào mừng những thành tựu to lớn của đất nước trong tiến trình đổi mới, nêu bật những đóng góp và sự phát triển mạnh mẽ của Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời quảng bá các sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước.
Hội Báo cũng là hoạt động nhằm tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, qua đó khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam.
Đây cũng là dịp để biểu dương, động viên những cống hiến của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam. Hội Báo toàn quốc diễn ra từ ngày 17-19/3 và sẽ mở cửa từ 8 giờ đến 18 giờ hàng ngày để công chúng tham quan và tham dự các hoạt động.