Phấn đấu tăng trưởng 3-4%
“Một tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa”, đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương diễn ra vào ngày 2/7 vừa qua. Nhắc lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước.
“Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”, Thủ tướng nói. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%.
“Khó khăn gấp đôi, ta phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi mà phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình”, Thủ tướng chỉ đạo. Từng bộ, từng địa phương thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay.
Đưa ra một số quan điểm, định hướng chủ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Cần có giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập.
Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%.
Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng. “Vậy biện pháp nào để đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân?”, Thủ tướng đặt vấn đề khi tiêu dùng được xem là một trong “tam mã” kéo cỗ xe tăng trưởng.
Tiếp tục kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn của toàn cầu. Giảm giá dịch vụ du lịch nhưng không giảm chất lượng. Chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị các ngành, hệ thống tài chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương có thể bơm thêm tiền cho an sinh xã hội, không để ai quá khổ, quá khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ xem xét tình hình thế giới để mở cửa thế nào, mở cửa đến đâu để đảm bảo an toàn cho đất nước”. Không chủ quan trước dịch bệnh. Thủ tướng nhắc lại việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương.
Phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng. “Đồng chí bí thư, chủ tịch đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ”, Thủ tướng Chính phủ nói. Thủ tướng cho biết, Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020.
“Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.
Việt Nam nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19
Tại cuộc họp của Bộ Y tế bàn về các phương pháp xét nghiệm và sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đang thực hiện tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc chủ động vắc xin là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 trên chuột, gà trước khi thử nghiệm trên người. Tại Việt Nam, dự án nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 của các nhà khoa học Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có "triển vọng rất tích cực".
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho biết, hiện vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Khi so sánh với những con chuột được tiêm virus hoang dại đã bất hoạt, những con chuột được tiêm vắc xin dự tuyển cho đáp ứng kháng thể cao.
“Đây là kết quả đánh giá, phân tích của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc xin phòng COVID-19 mà các nhà nghiên cứu của Viện đã nhận được vào các ngày 15/5 và 29/5. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt thông tin.
Ngoài ra, công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc xin phòng chống dịch bệnh là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch.
Ở giai đoạn tiếp theo, vắc xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu vắc xin, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cho hay, ngay từ đầu tháng 2/2020, hai cán bộ nghiên cứu của Vabiotech đã được cử sang làm việc và phối hợp với các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) nỗ lực triển khai thực hiện nhiều công đoạn nghiên cứu nhằm đẩy nhanh tiến độ của Dự án.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh vào thời điểm đó tại Anh nói riêng, châu Âu và thế giới nói chung, nhóm nghiên cứu đã làm việc gần như 24/7, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đặt ra. Hai thành viên của nhóm nghiên cứu từ Vabiotech kịp quay về Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa đường hàng không hồi cuối tháng 3. Mẫu cũng được chuyển về tới Việt Nam như dự định”, Chủ tịch Vabiotech cho biết.
Sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung sau khi về nước, Ban Lãnh đạo Công ty và nhóm nghiên cứu quyết định biến phòng thí nghiệm của Vabiotech thành “phòng cách ly để nghiên cứu” bù đắp lại thời gian bị gián đoạn.
“Nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã được bù đắp. Một tháng sau, dự tuyển vắc-xin đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt không giấu được niềm tự hào.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cho biết, vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam dự kiến tiêm thử trên người sau 9-12 tháng, hoàn chỉnh vào tháng 10/2021. "Có thể từ 9 đến 12 tháng nữa, Việt Nam sẽ có vắc xin đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người. Trong khi thông thường, phải mất từ 3-5 năm mới có một dự tuyển có vắc xin tốt, mất 5-10 năm để hoàn chỉnh có vắc xin”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt nói.
Đối với vắc xin phòng COVID-19, quá trình nghiên cứu sản xuất có thể được rút ngắn và các bước rút ngắn chủ yếu về mặt thủ tục hồ sơ hoặc các quy trình cấp phép. Các bước sản xuất, nghiên cứu vẫn được đảm bảo, không đi tắt hay bỏ qua bất cứ bước nào.
“Hiện Vabiotech cũng chờ đợi các kết quả nghiên cứu của thế giới về hiệu lực của những ứng viên vắc xin tiềm năng, các quốc gia giải quyết vấn đề đánh giá vắc xin trên người khi không còn nhiều mô hình bệnh nhân... để so sánh, rút kinh nghiệm và áp dụng cho vắc xin của Việt Nam”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kít xét nghiệm, được WHO công nhận và được cấp chứng chỉ lưu hành trên thế giới; nghiên cứu, sản xuất thành công 5 loại sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) và hiện đang tiếp tục nghiên cứu vắc xin phòng bệnh, thuốc điều trị.
Vụ cháy kho hóa chất ở Long Biên có hiện tượng rò rỉ hóa chất
Liên quan đến vụ cháy kho hóa chất xảy ra sáng 30/6 tại khu Cảng Đức Giang (tổ 18, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội sau khi kiểm tra hiện trường vụ cháy.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, Đoàn kiểm tra đã xác định khu vực cháy là nhà kho chứa hóa chất và nhà xưởng sản xuất, diện tích khu vực cháy khoảng 273m2. Khu vực bị cháy nằm giữa Công ty cổ phần 3B (sản xuất máy biến áp) và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ hóa học (sản xuất, kinh doanh hóa chất).
Vụ cháy xảy ra tại xưởng của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt và cháy lan sang khu vực xưởng của Công ty cổ phần 3B và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ hóa học. Qua kiểm tra hiện trường, đơn vị chức năng phát hiện, khu vực giữa nhà kho có một bồn chứa hóa chất, đường kính khoảng 4m, chiều dài khoảng 10m bị cháy đen xung quanh, có hiện tượng rò rỉ hóa chất trong bồn ra ngoài.
Khu vực cuối xưởng xảy ra cháy (của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt) có 1 lò hơi đang sử dụng, có thể đang thực hiện các hoạt động sản xuất hóa chất. Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã bơm bê tông tươi vào khu vực chân bồn chứa hóa chất để ngăn chặn hóa chất rò rỉ. Ngoài ra, các thùng phi loại 200 lít chứa hóa chất cũng bị cháy, nhiều thùng phuy bị nổ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, về chủng loại và số lượng hóa chất bị cháy, rò rỉ ra môi trường hiện chưa thể xác định được chính xác do không có đại diện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt. Đáng chú ý, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, có dấu hiệu sản xuất hóa chất khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo và giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất; đồng thời kịp thời xử lý các vi phạm về an toàn, kinh doanh và sản xuất hóa chất tại Công ty này.
Theo giấy phép do Sở Công Thương Hà Nội cấp cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Cường Việt, Công ty chỉ đủ điều kiện kinh doanh hóa chất nhưng không được sản xuất hóa chất. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, ngay sau khi đám cháy được dập tắt, Chi cục đã yêu cầu quận Long Biên chỉ đạo phường Thượng Thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt thực hiện ngay biện pháp ứng phó sự cố môi trường.
Trước hết là khẩn trương có phương án che phủ toàn bộ khu vực vụ cháy hoặc có phương án lưu giữ trong khu vực có mái che, nền chống thấm nhằm đảm bảo việc tránh tiếp xúc giữa nước mưa với tro xỉ, hóa chất và tránh phát tán bụi tro xỉ, hóa chất ra môi trường.
Đối với nước thải phát sinh trong khu vực cháy khi dập lửa và còn tồn trong khu vực kho phải được cách ly, thu gom và chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép; đồng thời khẩn trương thu gom, lưu giữ và chuyển giao tro xỉ, hóa chất còn lại sau đám cháy cho đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý.
Cũng ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế nếu có nguy cơ phát tán hóa chất ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu khẩn trương đo nồng độ hóa chất, báo cáo kết quả và công bố công khai đến người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đồng thời đánh giá tác động ô nhiễm môi trường từ vụ cháy kho hóa chất trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020.