Trong những năm qua, hệ thống y tế cơ sở nước ta đã được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Đến năm 2022, 100% đơn vị cấp huyện trong cả nước có trung tâm y tế (707 trung tâm); 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế (10.559 trạm); trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 97,3% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Y tế thôn, bản, tổ dân phố hoạt động ngày càng hiệu quả. Song qua giám sát thực tế ở các địa phương cho thấy y tế cơ sở còn nhiều tồn tại: Mô hình tổ chức bộ máy y tế còn thiếu tính ổn định, chưa thống nhất trong cả nước; cơ sở vật chất còn hạn chế, vẫn còn 22,1% số trạm y tế xã chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới; số lượng nhân lực y tế cơ sở thấp hơn so với định mức biên chế được giao; thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng; việc tuyển dụng, thu hút bác sỹ về làm việc tại trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn.
Tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019; năm 2022 tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở chỉ đạt 34,5%, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%. Như vậy, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là tuyến xã không đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều người dân chưa tin tưởng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở nên thường chuyển lên tuyến trên và thực tế là không đủ năng lực ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh lớn xảy ra.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết 20, Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương đặt ra là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, trong đó: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ…”, thì đòi hỏi phải có những quyết sách quyết liệt, hiệu quả đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghi Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời có giải pháp bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở, nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở để đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe, nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Có cơ chế chính sách rõ ràng để tăng tỷ lệ chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, thu hút người dân khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng thực hiện giải pháp đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân; nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện.
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Nhìn nhận về hệ thống y tế dự phòng, một số đại biểu Quốc hội cho rằng y tế dự phòng đã đạt được những kết quả quan trọng, công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đạt được nhiều thành tựu. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi, duy trì thành quả thanh toán, loại trừ một số bệnh. Đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vaccine dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Song cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, Y tế dự phòng chỉ thực sự được quan tâm từ khi xuất hiện dịch COVID-19. Từ năm 2020 - 2022 nguồn ngân sách nhà nước chủ yêu tập trung cho phòng, chống, dịch COVID-19, nên kinh phí đầu tư hiện đại hệ thống y tế dự phòng rất khó khăn. Giai đoạn năm 2018-2022, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18/2008/QH12 và Nghị quyết số 20-NQ/TW, cụ thể năm 2018 là 20,32% và năm 2022 là 28,62%, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Vì vậy tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo tỷ lệ % giảm liên tiếp từ 94,8% năm 2018 xuống còn 80,4% năm 2022. Do vậy, nếu chúng ta không quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Nhìn nhận ở góc độ trang thiết bị y tế, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, với trạm y tế xã và công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở hiện nay trang thiết bị của các cơ sở này đã cũ, nhân lực hạn chế, chế độ, chính sách chưa được đảm bảo, người dân còn thiếu tin tưởng, gây khó khăn trong việc thu hút bệnh nhân đến khám bệnh. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo sát sao và có giải pháp tháo gỡ để xử lý hiệu quả các tồn tại, hạn chế này.
Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả thì đại biểu Nguyễn Thanh Nam (Đoàn ĐBQH Phú Thọ) đề nghị tăng cường bảo đảm nguồn kinh phí chi cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách ngành y tế theo Nghị quyết số 20-NQ/TW; trong đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng.
“Trước mắt phân bổ ngay gần 5000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14 nghìn tỷ vốn của Chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.