Dấu ấn của một năm đầy thử thách

Những thời khắc cuối cùng của năm 2014 đã điểm, khép lại 12 tháng đầy biến động trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Năm qua, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp của thế giới, đặc biệt là việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, nhìn lại một năm nhiều thử thách, khó khăn, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, trong đó có 13 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.


Nhìn lại con số ấn tượng với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm trước, vượt so với mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là 5,8%; kinh tế vĩ mô ổn định, CPI bình quân cả năm ước tăng 4,09% so với năm 2013, là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây... cho chúng ta thấy sự nỗ lực lớn của cả dân tộc Việt Nam trước bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn và thách thức, trong đó ghi đậm dấu ấn chèo lái của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Dấu ấn của một năm đầy thử thách. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Để có được con số ấn tượng trên, ngay từ những ngày đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo quyết liệt đồng thời, đồng bộ các giải pháp, trong đó cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng... là những ưu tiên hàng đầu. Trước hết là xóa những rào cản do “nạn giấy tờ” như: Thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà; quy định “mập mờ”, thiếu minh bạch, không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn làm khó các cơ quan thực thi, thậm chí là những “ưu ái riêng” đối với một bộ phận lợi ích nào đó trong không ít các quy định hiện hành… đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng rà soát kỹ lưỡng và kiên quyết loại bỏ.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành... trong lĩnh vực thuế, thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế từ 537 giờ/năm đã được kéo giảm xuống còn 167 giờ/năm; thời gian làm thủ tục bảo hiểm cũng chỉ còn một nửa so với trước; hệ thống hải quan một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động và chứng minh được hiệu quả thiết thực... Nhờ đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,9%, vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp tăng 24,6%, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 5,1%...

Cũng trong năm, cùng với hội nhập quốc tế, việc ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus -Kazakhstan (VCUFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) trong tháng 12/2014 của Thủ tướng với các đối tác được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch cũng như tạo nên một “làn sóng”, một “cuộc đổ bộ” lớn về đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Giới chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã cảm nhận được làn sóng cải cách lần thứ 2 đã khởi sự trong năm 2014.

Trước việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ láng giềng, tình cảm hữu nghị, ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong các diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông....

Với cách tiếp cận linh hoạt, Thủ tướng Chính phủ đã làm cho cộng đồng quốc tế hiểu về cuộc đấu tranh chính nghĩa cũng như khao khát hòa bình của dân tộc Việt Nam, mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Qua đó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, của muôn triệu trái tim yêu chuộng hòa bình, công lý và lương tri trên toàn thế giới về lập trường, quan điểm chính đáng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc theo tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đây là hai mặt trong quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cũng như lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia.

“Trong thời đại ngày nay, hội nhập, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thịnh vượng là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, những mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, trong đó có những phạm trù hết sức thiêng liêng là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và bền vững. Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn chia sẻ với đồng bào cả nước.

Trăn trở về đột phá xây dựng đồng bộ cơ sở kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, thúc đẩy tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cộng với sự vào cuộc rốt ráo của ngành giao thông, từ đó đã thu hút được hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước. Nổi bật là hàng loạt tuyến cao tốc lớn như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… đã được đưa vào sử dụng. Cùng với đó là hàng loạt các dự án trong lĩnh vực hàng không, cảng biển, đường sắt, đường thủy cũng dần được đầu tư đồng bộ. Ngay trong ngày cuối năm, dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - sân bay quốc tế Nội Bài, nhà ga hành khách T2 Nội Bài được chính thức đi vào hoạt động, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và phải luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ liên tục nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương là phải làm tốt hơn an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, trong đó, đặc biệt lưu ý đến những việc lớn là chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý tốt việc tiêm phòng; đi liền với đó là thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo; thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với người có công, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh chỉ đạo thường xuyên liên tục về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống buôn lậu và gian lận thương mại... Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin một cách trung thực, khách quan, kịp thời cho dư luận, báo chí, góp phần tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đề ra.

Với một loạt cải cách về thể chế, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia... trong năm qua đã tạo ra những cảm hứng mới, động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân vững bước vào năm mới với sức bật mới, đưa nước ta tiến nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thiện Thuật

Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2014 của ngành Tư pháp
Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2014 của ngành Tư pháp

Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, theo nhiệm vụ được phân công tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động thi hành Hiến pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN