Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
* Vi phạm diễn biến phức tạpTheo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên thị trường hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp (vật tư nông nghiệp) diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho nhà sản xuất, kinh doanh, nông dân và gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng.
Do chạy theo lợi nhuận, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều nhà sản xuất do không trang bị quy trình sản xuất chuẩn, nguyên liệu không tốt, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm... đã sử dụng các chất cấm, lạm dụng các chất bảo quản, dùng hóa chất công nghiệp thay cho hóa chất thực phẩm, sử dụng các chất kháng sinh vượt liều lượng cho phép rất nhiều lần.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, phát hiện 1.107 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Trong đó, một số tỉnh có nghề chăn nuôi phát triển và chiếm sản lượng lớn nhất cả nước như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương... là nơi phát hiện nhiều hành vi vi phạm. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp) có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Thanh tra, kiểm tra đối với gần 5.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ đã phát hiện 913 cơ sở vi phạm với các hành vi phổ biến như buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, nhãn mác không đúng với công dụng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn tiến hành thanh tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với trên 4000 hộ nông dân, phát hiện trên 800 hộ vi phạm sử dụng thuốc không đúng quy định (4 đúng), lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường, sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, thuốc bảo vệ thực vật cấm, thời gian cách ly không đảm bảo và không đúng nồng độ liều lượng cho phép.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác được sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/năm trên cả nước, trong đó 600.000 tấn phân bón hữu cơ. Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón ở nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Kết quả phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật còn thấp, số vụ bắt giữ về vi phạm kinh doanh phân bón mỗi năm cao, nhưng chỉ có khoảng 0,3% số vụ khởi tố hình sự, vì vậy không đủ sức răn đe. Việc hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cho hiệu quả, đúng cách chưa được các đơn vị chuyên ngành chú trọng, tình trạng người dân sử dụng phân bón không đúng loại, đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng vẫn còn phổ biến.
Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, thực sự trở thành vấn đề nổi cộm gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Dương..) - nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, phối trộn thức ăn bổ sung, sản xuất thuốc thú y; một số tỉnh thành phố ở phía Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
Các cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, phát hiện 16% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc, 7,6% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; 80% công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố về việc đấu tranh, ngăn chặn chất cấm, cử các đoàn công tác làm việc trực tiếp với 15 sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương để chỉ đạo, bàn các giải pháp ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi.
Bộ triển khai 8 đoàn thanh tra đột xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, xử lý 12 công ty sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; xử phạt số tiền trên 2 tỷ đồng, buộc các công ty này phải thu hồi các sản phẩm vi phạm trên phạm vi toàn quốc để tiến hành tiêu hủy cùng số chất cấm phát hiện được; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất của các công ty có hành vi vi phạm.
Hiện nay, Thanh tra Bộ cũng đang tiếp tục quá trình xác minh, củng cố hồ sơ đối với 4 công ty và sẽ tiến hành xử lý triệt để nếu phát hiện các hành vi vi phạm. Các địa phương cũng đã tiến hành xét nghiệm trên 2.000 mẫu, phát hiện và xử lý trên 400 trường hợp dương tính với tồn dư chất cấm.
Do lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra quyết liệt, hiện trên thị trường không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm có chứa Salbutamol. Tuy nhiên, do mức phạt hiện tại của các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa được điều chỉnh (còn quá nhẹ) nên một số công ty, một số kẻ vô lương tâm vẫn vì lợi nhuận mà bất chấp để sử dụng lén lút chất cấm. Các công ty và những kẻ buôn bán chất cấm đều đã thay đổi phương thức để đối phó, rất tinh vi và khó phát hiện.
Còn theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, 11 tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 878 vụ vi phạm đối với mặt hàng phân bón, 211 vụ vi phạm đối với mặt hàng phụ gia thực phẩm; mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng là 593 vụ. Đại diện Bộ Công an cho rằng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y giả, nhận biết bằng cảm quan rất khó khăn, phải mất cả tháng để giám định, phân tích và khá tốn kém, hầu hết các vụ vi phạm đều xử lý hành chính.
* Đánh đúng, đánh trúng đường dây buôn lậu
Nghiêm trọng, còn tràn lan vi phạm, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn tinh vi là nhận xét đáng chú ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình hàng giả, hàng lậu trong nông nghiệp. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ có sự buông lỏng quản lý, bao che, làm ngơ cho tình trạng này, thậm chí bảo kê cho phân bón giả, thực phẩm bẩn…
Trong khi đó cơ chế, chính sách chế tài còn lỏng lẻo, thiếu và yếu để xử lý. Việc thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, còn lọt sót tội phạm, có trường hợp chạy chọt cho tiêu cực. Việc công khai các địa chỉ vi phạm để người dân tẩy chay chưa được quan tâm.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động có hiệu quả sự tham gia của nhân dân vào việc phòng, chống buôn lậu. Công tác phối hợp, phòng ngừa xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra của các lực lượng liên ngành chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
Phó Thủ tướng đề nghị: Từ nay đến Tết Nguyên đán, các bộ, ngành địa phương phải ngăn chặn, kiểm soát cho được tình trạng buôn lậu gian lận thương mại, tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Trên tinh thần, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Cùng với đó xử lý hình sự, hoặc xử lý hành chính ở mức cao nhất nhằm triệt tiêu và răn đe các đối tượng, góp phần ngăn chặn có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng đối với chỉ đạo công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.
Bộ Công thương, Nông Nghiệp, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường nắm tình hình, điều tra cơ bản để quản lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra nhằm phát hiện, bắt giữ, đánh đúng, đánh trúng vào các đường dây buôn lậu, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng. Bộ Công an sớm làm rõ vụ sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.