Đánh giá toàn diện việc xóa sổ hộ khẩu và điều kiện riêng đăng ký thường trú

Cần xác định rõ lộ trình, thời điểm và cách thức triển khai phương thức quản lý dân cư từ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng sử dụng số định danh cá nhân.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Hội nghị.

Ý kiến này được thống nhất cao tại hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ngày 23/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Các đại biểu nhất trí cao về chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang hình thức quản lý hiện đại thông qua công nghệ thông tin, cụ thể là bằng số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, các đại biểu đều quan ngại về tính khả thi khi thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/7/2021; cho rằng cần xác định rõ lộ trình, cách thức triển khai phương thức quản lý mới theo thực tiễn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, việc xóa bỏ sổ hộ khẩu gắn với thay đổi phương thức quản lý cư trú là chủ trương đúng đắn. Nhưng trên thực tế hiện nay có rất nhiều giao dịch xã hội đi kèm với sổ hộ khẩu như mua bán nhà, điện, nước... Nếu không làm tốt việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, kết nối thông tin trước khi xóa bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ dẫn đến bất cập xã hội.

Một số đại biểu cho rằng hiện nay còn tới 27 loại giấy tờ của người dân cần phải có sổ hộ khẩu, vì vậy việc xóa bỏ sổ hộ khẩu cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Bộ Công an có trách nhiệm xác đinh rõ thời điểm hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cũng như tính bảo mật thông tin của người dân trong các giao dịch dân sự khi sử dụng số định danh cá nhân. Chỉ khi nào các điều kiện về xây dựng, kết nối sử dụng dữ liệu Quốc gia về dân cư hoàn thành thì mới xóa bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu. 

Một vấn đề lớn được nhiều đại biểu tập trung thảo luận và có ý kiến không đồng nhất liên quan đến việc có nên xóa bỏ điều kiện riêng khi đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “đăng ký thường trú” không thực sự gắn với “thường trú”, khi người dân dù không được đăng ký thường trú nhưng vẫn sinh sống ổn định tại các thành phố. Đô thị lớn là nơi có thu nhập cao, có những bộ phận dân cư đóng thuế cao và họ xứng đáng được hưởng điều kiện tốt trong khu vực sinh sống. 

Nếu xóa bỏ mọi điều kiện đăng ký thường trú, sẽ dẫn đến tình trạng di dân ồ ạt từ nông thôn đến đô thị, dẫn đến hàng loạt hệ lụy liên quan đến quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư, trong đó có cả những người đóng thuế cao, những người có đóng góp lớn cho xã hội đang sinh sống ở thành phố. Chính vì vậy, cần giữ những điều kiện nhất định đối với trường hợp xin đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn để hạn chế tình trạng người dân di dời đến sinh sống ở thành phố.

Cùng có quan điểm đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng tình trạng người ngoại tỉnh di dân vào thành phố đã gây áp lực cho công tác quản lý, phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của những người đang sinh sống tại thành phố và thậm chí dẫn đến các hiện tượng tiêu cực liên quan đến việc đăng ký thường trú tại thành phố. Vì vậy, cần có những điều kiện riêng khi đăng ký thường trú, nhưng cần nghiên cứu cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu, khả năng cư trú tại thành phố, đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân.

Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu lại nhất trí với quan điểm xóa bỏ các điều kiện riêng khi đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương với lý do trên thực tế, người dân vẫn đến sinh sống, làm việc tại thành phố, bất chấp việc có được đăng ký thường trú hay không.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. 

Ông Nguyễn Thanh Xuân, đại biểu Quốc hội Cần Thơ cho rằng việc áp dụng điều kiện với việc đăng ký thường trú hoàn toàn không có tác dụng trong hạn chế di dân. Người dân vào thành phố không phụ thuộc có được đăng ký thường trú hay không mà phụ thuộc vào cơ hội nghề nghiệp, làm ăn, học tập của họ… Việc xóa bỏ điều kiện riêng đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật, đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân và cũng là điều kiện để Chính phủ và các địa phương nâng cao trách nhiệm thúc đẩy chất lượng sống tại các khu vực dân cư nông thôn, miền núi, giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa thành phố và các địa phương khác.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về việc có nên bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú đối với người đi vắng trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường nơi thường trú; phân tích một số khái niệm liên quan như “cư trú”, “các hình thức cư trú” hay vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi áp dụng biện pháp quản lý dân cư bằng thẻ định danh cá nhân.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú tại TP Hồ Chí Minh
Khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú tại TP Hồ Chí Minh

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), nhưng cần có lộ trình thích hợp để tránh gia tăng thêm áp lực và thách thức cho Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN