Tham dự lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh các thời kỳ và người thân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Các đại biểu thắp hương bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ cuộc đời, những cống hiến to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, một nhà lãnh đạo dấn thân và kiến tạo, một đời vì nước, vì dân.
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân), sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, thấu hiểu nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân dưới ách nô dịch, bóc lột nặng nề của chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí sớm có tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991), đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1992), đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ.
Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo Chính phủ thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều công trình trọng điểm của đất nước mang đậm “dấu ấn Võ Văn Kiệt” được xây dựng trong thời kỳ này như: Đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam; Đường Hồ Chí Minh; đường Bắc Thăng Long-Nội Bài; công trình Thủy điện Trị An; chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thường xuyên quan tâm tới tỉnh Vĩnh Long. Mỗi lần có dịp về quê hương, đồng chí đều dành thời gian làm việc với lãnh đạo địa phương, quan tâm tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; góp ý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc thông tin đến lãnh đạo tỉnh những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương khác để học tập.
Dịp này, ông Trần Hữu Phước, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc sinh thời, đã tặng hiện vật là các bức thư do Thủ tướng Võ Văn Kiệt tự viết tay và một số tài liệu quý cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long với mong muốn lưu giữ và phát huy giá trị hiện vật chứa đựng những tư tưởng lớn của Thủ tướng như: Đức tính hy sinh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính năng động và sáng tạo cách mạng… để các thế hệ sau tìm hiểu, học hỏi, noi theo.