Thực hiện ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn đàm phán của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) làm Trưởng đoàn, thành viên là các chuyên gia của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp. Đoàn đàm phán Italy do ông Gianfranco CAROZZA, Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Quan hệ quốc tế, Văn phòng Cơ mật Trung ương làm Trưởng đoàn.
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/3/1973, trải qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 1990.
Hai nước đã xây dựng nhiều cơ chế phối hợp như: đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy ban hỗ hợp về hợp tác kinh tế; duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và địa phương như Liên Hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU, IPU…
Đồng thời đã ký kết một số hiệp định như: Hiệp định về hợp tác du lịch (2009); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (2010); Hiệp định chuyển đổi nợ (2010); MOU hợp tác giữa Việt Nam và Vùng Lombardia (2010); Hiệp định vận tải hàng không (2013); Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm (2014); Hiệp định hợp tác và tương trợ hành chính lĩnh vực hải quan (2015)...
Trong quá trình hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi cho nhau nhiều thông tin liên quan đến các lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia, trong đó có các thông tin bí mật nhà nước. Tuy nhiên, việc cung cấp, chuyển giao thông tin mật chưa có cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của mỗi Bên trong quá trình quản lý, sử dụng, bảo vệ tin mật.
Trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã gặp gỡ và tiến hành đàm phán trên cơ sở bản tiếng Anh dự thảo Hiệp định do Việt Nam xây dựng. Kết quả đàm phán: Hai bên đã đạt được sự thống nhất về tên gọi, lời nói đầu của dự thảo Hiệp định; đồng thời tập trung thảo luận về những nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định như: Hình thức cung cấp thông tin mật, biện pháp bảo vệ thông tin mật, việc nhân bản và hủy thông tin mật, hợp đồng, vi phạm an ninh trong cung cấp, chuyển giao thông tin mật…
Kết thúc buổi đàm phán, hai bên đã ký xác nhận dự thảo Hiệp định và ký Biên bản ghi nhớ; đồng thời thống nhất sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi nước cho phép ký kết Hiệp định trong thời gian sớm nhất.