Trên đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italy Manlio Di Stefano trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome về quan hệ hợp tác song phương nhân sự kiện Quốc hội Việt Nam vừa kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước, cũng như việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo Thứ trưởng Di Stefano, những năm gần đây, Việt Nam đã tiến một bước dài trong lịch sử. Đây là kết quả của tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Việt Nam đã vượt qua những khó khăn của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lựa chọn con đường hiện đại hóa và hội nhập đa phương với những bước tiến cơ bản như gia nhập LHQ, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thiết lập quan hệ với các tổ chức khu vực như Liên minh châu Âu (EU) cũng như quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Italy. Việc mở cửa để đón nhận các khoản đầu tư nước ngoài, trong đó Italy cũng có đóng góp không nhỏ, đã mang lại cho Việt Nam các nguồn lực về đầu tư, lao động và công nghệ cần thiết để xây dựng đất nước. Italy rất quan tâm tới vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Italy và Việt Nam đã cùng nhau ủng hộ các nguyên tắc của một trật tự thế giới dựa trên sự tôn trọng các quy tắc và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ngoài ra, Việt Nam và Italy cũng đã chia sẻ mong muốn chung trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả và phát triển bền vững thực sự cho tất cả các bên.
Thứ trưởng Di Stefano cho biết Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella mới đây đã nhấn mạnh trong thông điệp chúc mừng gửi tới tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng, “Rome và Hà Nội được gắn kết bởi mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, có lịch sử lâu dài và mối quan hệ hữu nghị đó sẽ liên tục được đổi mới, phát triển trong tương lai”. Italy sẽ nắm bắt những cơ hội hợp tác phát triển từ mối Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Italy, được thiết lập năm 2013, và Quan hệ Đối tác Phát triển Italy - ASEAN được ký năm 2020, năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Trong hai năm qua, Việt Nam đã đảm nhận những trách nhiệm ngày càng cao trên trường quốc tế. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp hiệu quả để tăng cường sự gắn kết và sức mạnh của ASEAN, yếu tố ngày càng có vai trò quyết định trong khu vực. Với tư cách là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam cũng đã có những đóng góp cụ thể vào hòa bình và an ninh toàn cầu. Italy sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam để đạt được những mục tiêu này.
Ông Di Stefano nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, đồng thời các vấn đề chung phải được giải quyết thông qua sự đoàn kết và hợp tác. Italy cũng đã trực tiếp cảm nhận được điều này thông qua sự hỗ trợ của những người bạn Việt Nam. Đây là những nguyên tắc cơ bản truyền cảm hứng cho Italy trong vai trò là Chủ tịch G20 cũng như thúc đẩy Italy cam kết ủng hộ 116 triệu USD cho chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A) để phân phối công bằng vaccine trên thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam. Việt Nam đã phản ứng rất hiệu quả với đại dịch COVID-19 nhờ những kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS năm 2003. Ông Di Stefano cũng gợi nhắc lại việc bác sĩ người Italy Carlo Urbani đã hy sinh mạng sống để ngăn chặn dịch SARS. Bác sĩ Carlo Urbani là người đầu tiên nhận thấy mức độ nghiêm trọng của loại virus này và đã có đóng góp quan trọng trong việc đề ra các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch SARS.
Đánh giá về triển vọng hợp tác sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, Thứ trưởng Di Stefano cho rằng, trong một năm mà khủng hoảng toàn cầu và thương mại bị thu hẹp, việc EVFTA có hiệu lực đã mang lại triển vọng tăng trưởng và tạo niềm tin vào quá trình tự do hóa trao đổi thương mại. Đối với thương mại giữa Italy và Việt Nam, dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn đã xuất hiện trong những tháng gần đây. Ông Di Stefano bày tỏ tin tưởng xu hướng này sẽ được tiếp tục vào năm 2021 và sự kết thúc của đại dịch sẽ mở ra nhiều tiềm năng trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương. EVFTA đưa thuế suất về mức 0%, nhưng không loại bỏ hoàn toàn các rào cản kỹ thuật và phi thuế quan khác. Do đó, Việt Nam và EU cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu tự do hóa một cách đầy đủ và cân bằng. Thị trường của hai bên càng hội nhập, thì lợi ích mang lại cho các công ty của mỗi bên càng lớn.
Cũng theo Thứ trưởng Di Stefano, Italy ngày càng nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia có nhiều triển vọng và tiềm năng. Thương mại song phương đã tăng trưởng ổn định trong 10 năm qua và đạt gần 5 tỷ USD. Italy hiện có 110 công ty đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Những công ty này đã mang đến Việt Nam các mô hình kinh doanh sáng tạo và bền vững cùng những sản phẩm chất lượng cao. Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang ngày càng phát triển, với các lĩnh vực hợp tác truyền thống như máy móc, dệt may, ô tô, nông sản và dầu khí là trụ cột trong trao đổi giữa hai nước. Bên cạnh đó, Italy luôn ủng hộ việc ngày càng có nhiều công ty công nghệ cao của nước này tới Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực mới như viễn thông, hàng không vũ trụ, dược phẩm, kiến trúc và thiết kế, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp sáng tạo.
Thứ trưởng Di Stefano còn cho hay tại phiên họp toàn thể trực tuyến Khóa họp thứ VI Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao & Hợp tác quốc tế Italy ngày 14/12/2020, ông đã nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác nói trên với Thứ trưởng Đặng Hoàng An. Ông Di Stefano cũng bày tỏ hy vọng cá nhân ông có thể trực tiếp sang thăm Việt Nam ngay khi tình hình cho phép.