Bên lề Kỳ họp, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã nêu ý kiến về các nội dung này.
Cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Khẳng định tầm quan trọng của việc cơ cấu lại nền kinh tế, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa tỉnh Thái Bình cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn bó chặt chẽ với phục hồi, phát triển kinh tế, tính thích ứng với biến động và nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đặc biệt, giai đoạn phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với mục tiêu giúp thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế.
Trên cơ sở phân tích kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, 5/22 mục tiêu của giai đoạn chưa hoàn thành gồm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, về phát triển doanh nghiệp và về đào tạo lao động. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan. Đó là việc nhận thức một số vấn đề về cơ cấu lại nền kinh tế vẫn chưa sâu sắc, chưa thống nhất, nhất là về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về vai trò và mối quan hệ Nhà nước - Thị trường -Xã hội; việc phân bổ nguồn lực thông qua thị trường các nhân tố sản xuất, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân..., dẫn đến nhiều nơi, nhiều lúc cơ cấu kinh tế còn theo phong trào, chỉ mang tính hình thức mà không thực chất. Đây là bài học kinh nghiệm cho Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới với hệ thống cơ chế tổ chức thực thi hiệu quả, tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan có liên quan.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, mặc dù các giải pháp và nguyên tắc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đưa ra khá toàn diện, song cần làm rõ hơn về nhiệm vụ và mục tiêu nâng cao năng lực quản trị quốc gia, về năng lực dự báo, hiệu quả phối hợp, tính nhanh chóng và kịp thời, chủ động ra quyết định với chất lượng cao, tính thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến động khó lường… Bên cạnh đó, phải tính toán kỹ các yếu tố tác động đến nền kinh tế để việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 bảo đảm được thực hiện hiệu quả, khả thi như tác động của đại dịch COVID-19, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0….
Đại biểu cũng cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực nên được coi là một trọng tâm, một trụ cột riêng trong nội dung Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với tổng thể các giải pháp đi kèm.
Cần có chính sách hỗ trợ người trồng lúa
Về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), đại biểu Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đánh giá, báo cáo thẩm tra dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã bảo đảm các quỹ đất phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp cũng như các chỉ tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra. Việc quy hoạch sử dụng đất phát triển theo hướng khai hoang, lấn biển cần lưu ý đến đánh giá tác động đến bờ biển, môi trường hệ sinh thái biển.
Từ thực tiễn của tỉnh nông nghiệp với diện tích trồng lúa duy trì 76.000 ha/vụ/năm, đại biểu Lại Văn Hoàn cho rằng cần quan tâm hơn đến vấn đề duy trì đất trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cụ thể là cơ chế, chính sách phù hợp để các địa phương giữ đất trồng lúa; hệ thống các quy định pháp lý hỗ trợ người dân canh tác lúa, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp sao cho chi phí sản xuất thấp nhất và gia tăng thu nhập cho người trồng lúa, giúp bà con bảo đảm cuộc sống và gắn bó với nghề trồng lúa.
Theo đại biểu Lại Văn Hoàn, để kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững cần có những giải pháp xuyên suốt tái cơ cấu ngành, trong đó cần đổi mới hơn nữa cơ chế, chính sách, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khâu chế biến nông sản.