Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ và thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ, lũ quét.
Theo bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi, Đăk lăk, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã trực tiếp gọi điện đôn đốc các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và các hình thế thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tìm kiếm người mất tích, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống người dân.
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các địa phương tiếp tục vận hành khoảng 1.092 máy bơm và 92 cống, giảm 194 máy bơm so với ngày 25/7 và tăng 77 cống tiêu.
Tính đến 7 giờ ngày 27/7, tỉnh Nam Định còn 1.211 ha lúa bị ngập, trong đó, ngập trắng 180 ha, ngập sâu 829 ha. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nước đang rút dần, các địa phương đang tiếp tục thống kê số liệu cụ thể về diện tích ngập úng.
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai và Thái Nguyên, mưa to đến rất to xảy ra đêm ngày 25/7 và rạng sáng 26/7 đã làm một cháu nhỏ 4 tuổi bị thương do sạt lở đất đá vào nhà tại xóm 13, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; 11 nhà bị đất đá sạt lở gây đổ tường ( huyện Văn Bàn, Lào Cai có 9 nhà; huyện Đại Từ, Thái Nguyên có 2 nhà); hai nhà tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai bị tốc mái; 4 nhà tại xã Tân An, huyện Văn Bàn, Lào Cai bị ngập nước dưới 1m. 38,6 ha mạ và lúa mùa bị ngập úng cục bộ ( huyện Đại Từ, Thái Nguyên có 27 ha; huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có 10,6 ha; huyện Bảo Yên - Lào Cai có 1 ha). Tuyến đường liên thôn thuộc xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị lũ cuốn gây sạt lở khoảng 80 m, sâu 4 m.
Tổng hợp từ các địa phương, tính đến 20 giờ ngày 26/7, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 78 sự cố, tăng 18 sự cố so với báo cáo ngày 25/7. Tỉnh Hưng Yên tăng hai sự cố, trong đó một sự cố rò nước tại khớp nối giữa bể xả và thân cống tại trạm bơm Nghi Xuyên, cánh cống lấy nước từ bể xả không khít kín; một sự cố sụt mái và phần đỉnh kè Thụy Lôi, đê tả Luộc.
Tỉnh Nam Định tăng thêm 5 sự cố, trong đó một sự cố sạt lở mái đê bối xã Yên Thành, hai sự cố tràn bờ bao Yên Khang và thôn Ninh Mật, huyện Ý Yên, hai sự cố sạt lở kè đê biển Hải Thịnh II và kè đê bối Yên Trị. Tỉnh Hà Nam tăng thêm hai sự cố, một sự cố sạt lở chân cơ đê thượng lưu đê tả Đáy và một sự cố sạt lở kè Nguyên Lý đê hữu Hồng (cách chân đê khoảng 500 - 600m), địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.
Tỉnh Ninh Bình tăng thêm 7 sự cố, trong đó 5 sự cố sạt lở mái đê phía sông tại 5 đoạn đê tả, hữu sông Mới, hai sự cố sạt lở mái kè đê hữu Đáy và đê hữu Vạc. Tỉnh Thanh Hóa tăng thêm một sự cố sạt lở đất trên đỉnh kè Vĩnh Thành, đê tả Mã (sự cố phát triển thêm từ sự cố đã xảy ra những năm trước)... Chiều 26/7, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra sự cố sạt chân cơ kè Kinh Kệ - Bản Nguyên tại vị trí K83+850 ÷ K83+950 đê Tả Thao; cung sạt dài khoảng 100 m, ăn sâu vào chân cơ kè 3-4 m và xuất hiện vết nứt phía trong mái kè. Những sự cố này được các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến, tổ chức xử lý.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, khu vực Bắc Bộ có 12/286 hồ chứa lớn đầy nước, trong đó (Sơn La 2, Phú Thọ 1, Bắc Giang 3, Quảng Ninh 1, Lạng Sơn 1, Ninh Bình 1, Hòa Bình 3), số hồ còn lại đạt 45 - 75% dung tích thiết kế. Mực nước thấp hơn mức nước dâng bình thường từ 2 - 4 m; 778/2.699 hồ chứa nhỏ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 60 - 80% dung tích thiết kế. Mực nước thấp hơn mức nước dâng bình thường từ 1 - 3 m; 138 hồ chứa xung yếu (Hà Giang 6, Cao Bằng 4, Lào Cai 5, Yên Bái 12, Tuyên Quang 11, Bắc Kạn 6, Thái Nguyên 9, Lạng Sơn 8, Quảng Ninh 9, Sơn La 8, Phú Thọ 9, Vĩnh Phúc 7, Bắc Giang 9, Hải Dương 5, Hòa Bình 20, Ninh Bình 6).
Các tỉnh Bắc Trung Bộ có 83/132 hồ chứa lớn đầy nước (Thanh Hóa 45, Nghệ An 38), số hồ còn lại đạt 50 - 70% dung tích thiết kế. 988/1.788 hồ chứa nhỏ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 55 - 80% dung tích thiết kế. 95 hồ chứa xung yếu (Thanh Hóa 24, Nghệ An 21, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 12, Quảng Trị 14, Thừa Thiên Huế 7).
* Chiều 27/7, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến Đại sứ Quán Lào tại Việt Nam trao tặng 300 triệu đồng hỗ trợ nước bạn Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi. Đây là sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên lao động của Bộ.
Tại buổi lễ, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: Món quà này là sự sẻ chia, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam đối với Chính phủ Lào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng các phương án hỗ trợ các bạn Lào xử lý sự cố vỡ đập cũng như cử cán bộ của Tổng cục Phòng chống thiên tai tham gia lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu.
Tại buổi lễ, Công ty cổ phần Nano Phạm Gia (đơn vị cung cấp các giải pháp nước sạch uống trực tiếp và phòng tránh dịch bệnh của Tập đoàn VesterGaard-Thụy Sỹ) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp "Giải pháp nước sạch uống trực tiếp và phòng tránh dịch bệnh" cho người dân Lào trong vùng ảnh hưởng lũ lụt. Dự kiến đợt 1, Công ty sẽ trao tặng 36 bộ thiết bị lọc nước và 100 chiếc màn đôi.