Đến dự và phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành thông tin và truyền thông. Năm năm qua, ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó , các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung, hình thức theo Chỉ thị 34 - CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, bám sát thực tiễn gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng , đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Đây thực sự là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những thách thức, thuận lợi, khó khăn đan xen đối với đất nước và ngành thông tin và truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến tất cả các mặt của đời sống, kinh tế , xã hội.
“Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ XXI được đánh dấu bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiến bộ khoa học - công nghệ vượt bậc, đang làm thay đổi về chất mọi hoạt động kinh tế xã hội mọi quốc gia và thương mại thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện cho mọi quốc gia phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển không dựa nguồn vốn, lao động phổ thông và vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngược lại còn giúp sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao chất lượng lao động. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức đúng, đầy đủ về những tiềm năng, lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại, có sự chuẩn bị tốt các nguồn lực để đón nhận, sẽ tạo đột phá trong phát triển đất nước. Đây là con đường tất yếu hội nhập toàn cầu và cạnh tranh toàn cầu, đây cũng chính là cơ hội để nước ta vươn lên cạnh tranh với các quốc gia khác và đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian tới, để phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành thông tin và truyền thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, ngành thông tin và truyền thông phải nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực, nguồn tài chính trong nước và quốc tế, đảm bảo hạ tầng thông tin tiến tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển công nghiệp 4.0.
Ngành cũng cần tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực, đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 .
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý ngành thông tin và truyền thông cần hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Tại Đại hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025. Theo đó, ngành thông tin và truyền thông hướng đến các mục tiêu: chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số; chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số; đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng; chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số.
Các mục tiêu tiếp theo là: chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm; phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá; chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số.
Giai đoạn 2015 – 2020, phong trào thi đua của ngành thông tin và truyền thông không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng. Các phong trào thi đua được phát động thường xuyên hàng năm, theo lĩnh vực, với nội dung phong trào thi đua bám sát với nhiệm vụ chính trị, kế hoạch công tác đề ra, có thể kể đến các phong trào: “ngành thông tin và truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới”; “lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Những hoạt động này đã góp phần đã phát hiện, kịp thời tôn vinh, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, chú trọng khen thưởng công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tại cơ sở, khen thưởng đột xuất.
Năm năm qua, toàn ngành thông tin và truyền thông có hơn 5.600 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Bộ Thông tin và truyền thông, 3 chiến sỹ thi đua toàn quốc, 143 huân chương lao động các loại… Các điển hình tiên tiến được xét tặng, tôn vinh đều giữ vững, phát huy được tính gương mẫu, tích cực, đồng thời có sức lan tỏa để các tập thể, cá nhân học tập.
Nhân dịp này, 20 tập thể, 41 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.