Đó là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người con ưu tú của đất nước và quê hương Quảng Bình, Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người "Anh Cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người bạn lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Lào
Là người nghiên cứu nhiều về quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là “mối liên quan” với cách mạng ba nước Đông Dương nói chung và cách mạng Lào nói riêng, Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào khẳng định: Đó là vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và là người bạn lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Lào.
Từ năm 1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp Chính phủ Lào kháng chiến xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Từ 25 đồng chí đầu tiên, đã từng bước xây dựng lực lượng cách mạng phát triển vững chắc, tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng nước Lào vào năm 1975. Ngoài ra, Đại tướng cùng với các nhà lãnh đạo của Lào như Sổm-đêt-chậu Su-pha-nu-vông và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản chỉ huy chiến đấu, giành thắng lợi trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, giải phóng miền Bắc nước Lào.
Trong thời kỳ đấu tranh chống đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục mở các chiến dịch thành công tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Lào như Chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng vào mùa mưa năm 1972, Chiến dịch đường 9 – Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven (năm 1971-1972)…
Theo Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt, năm 1972, Đại tướng đã vượt qua mọi khó khăn, bất chấp sự đánh phá của Mỹ đến vùng giải phóng Sầm Nưa để dự Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đây là niềm cổ vũ, động viên to lớn với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Lào vượt qua mọi khó khăn, vững bước tiến lên để giành thắng lợi trọn vẹn năm 1975.
Trên cương vị công tác của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn giúp đỡ cách mạng Lào với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, trong sáng, góp phần to lớn xây dựng liên minh chiến đấu Lào – Việt, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa quân đội hai nước cũng như giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam ngày càng sâu sắc - Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt khẳng định.
Sáng ngời những phẩm chất, nhân cách và đạo đức cách mạng
Nhấn mạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và dành cho cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tình cảm đặc biệt, theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, với mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an, hình ảnh về Đại tướng không chỉ là người lãnh đạo tài ba mà còn là người thầy, người cha, người anh thân thương bình dị.
Cũng như bao chiến sỹ cách mạng khác, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quê hương là một phần máu thịt, là “nghĩa nặng, tình cao”, luôn là điều làm ông suy tư, trăn trở. Bởi vậy, cùng với sự gắn bó, nghĩa tình dành cho lực lượng Công an nhân dân, Đại tướng cũng dành cho Công an Quảng Bình những tình cảm đặc biệt. Mỗi lần về thăm quê hương “chang chang cồn cát”, Đại tướng luôn ân cần thăm hỏi, quan tâm đến từng người, từng cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh Quảng Bình.
Trong những lần nói chuyện với lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình, bao giờ Đại tướng cũng dặn đầu tiên là hai chữ “Đoàn kết”. Quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân; Công an cũng vậy, nhưng trong thời bình luôn nêu cao nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhân dân là sức mạnh vô địch, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ…
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngày 19/8/1999, trong lần đến nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Bình, Đại tướng dặn dò: “Quảng Bình ta nghèo, nghèo từ xưa, nhưng rất dũng cảm, anh hùng. Trong chiến tranh, Quảng Bình luôn là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Vì vậy, các chú, các cháu phải luôn nỗ lực phấn đấu hết mình để quê hương phát triển. Phải luôn nghĩ đến làm việc tốt, việc tốt làm bao nhiêu cũng không đủ, còn việc xấu phải tránh, vì việc xấu chỉ một lần làm là thừa rồi…”. Những tình cảm, chỉ bảo ấy là tài sản vô giá của cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Bình nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung. Đó là hành trang để lực lượng Công an phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm mong mỏi của Đại tướng.
Suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn luôn “dĩ công vi thượng”, coi “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất, nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về tính nhân văn, liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu và hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Học tập tấm gương người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực
Khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương về người Bí thư quân ủy Trung ương mẫu mực, người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường cho biết, với trọng trách cao nhất về lãnh đạo, chỉ huy quân đội, Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã nêu tấm gương sáng về người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực, được nhân dân yêu quý, ngưỡng mộ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ kính trọng, học tập, noi theo, bạn bè quốc tế hết lòng ca ngợi.
Thượng tướng Trần Văn Trà, người cán bộ nhiều năm lăn lộn ở chiến trường Nam Bộ đã nói về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thấy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự. Tôi chỉ thấy Anh Văn đi những nước cờ bậc thầy vây hãm và tấn công quân địch”.
Nhấn mạnh về học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn quân ra sức phấn đấu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại tướng Lương Cường cho biết: Tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc… đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và quân đội nhiều vấn đề mới, cấp bách phải đáp ứng, trong đó xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo Đại tướng Lương Cường, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cán bộ, chiến sỹ toàn quân không chỉ “khắc cốt, ghi tâm”, tôn vinh những công lao to lớn của người “Anh Cả”, mà còn ra sức học tập, noi theo tấm gương người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực - Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Để hoàn thành tâm nguyện của Đại tướng, cán bộ chiến sỹ toàn quân thực hiện nhiều nội dung, trong đó có quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại…
Vị tướng kết hợp nhuần nhuyễn chính trị - quân sự- ngoại giao
Nhấn mạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết hợp nhuần nhuyễn chính trị - quân sự- ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, trong suốt cuộc đời, dù ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng đều thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, bao gồm cả lĩnh vực ngoại giao.
Trên mặt trận đối ngoại, có thể nói Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày đầu chính quyền thành lập, đất nước đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp, cấp bách và nghiêm trọng. Về mặt đối ngoại, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc dưới danh nghĩa đại diện Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, trong khi thực dân Pháp quay trở lại ở miền Nam, đồng thời một phái bộ của Mỹ đã cấp tốc sang Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách cả nội chính và công an, đồng thời đảm đương các nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt.
Nhấn mạnh về sự tinh tế của Đại tướng trong lĩnh vực ngoại giao, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, Đại tướng là một trong những nhà ngoại giao tài ba của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh, với sức thuyết phục lớn, cứng rắn với đối thủ khi cần thiết, nhưng rất chân thành, giản dị với nhân dân, bạn bè quốc tế. Chính những hồi ký của các tướng lĩnh Pháp, Mỹ đã cho thấy sự khâm phục của họ đối với Đại tướng. Đại tướng không chỉ là nhà quân sự lỗi lạc mà còn sử dụng rất hiệu quả “vũ khí lời nói” trong các động đối ngoại.
“Sự tinh tế về đối ngoại của Đại tướng còn thể hiện qua sự đĩnh đạc, tự tin và sự chuyên nghiệp với chuyên môn cao, nắm vững pháp luật quốc tế, ngoại ngữ và phong thái giao tiếp. Sự đường hoàng, trang nghiêm, lịch thiệp và tự tin của Đại tướng đã tạo ra 'thế' trong tiếp xúc với các đối thủ và buộc họ phải xuống nước”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu bày tỏ.
Thực hiện lời căn dặn ân tình
Nhớ lời căn dặn ân tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “quyết tâm đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết: Tháng 11 năm 2004 là chuyến về thăm quê hương cuối cùng của Đại tướng. Lúc này, ông đã 94 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng tình cảm sâu nặng dành cho quê hương vẫn không vơi cạn. Đại tướng có nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: "dù ở xa nhưng tôi vẫn hướng về quê hương. Tỉnh nhà làm tốt, tôi vui, nhưng cũng buồn khi có những chuyện chưa hay…".
Đại tướng dành thời gian đi thăm nhiều địa phương, trường học, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trong tỉnh, ở đâu Đại tướng cũng dặn phải đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, xây dựng Quảng Bình giàu mạnh, trở thành một tỉnh gương mẫu trong cả nước.
Khi biết cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, Đại tướng nhắc nhở lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục để ngư dân ra vào cửa biển an toàn. Đại tướng cũng băn khoăn khi biết có những việc làm ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, đề nghị tỉnh cần sớm có quy hoạch tổng thể khu vực này.
Khắc ghi những lời căn dặn của Đại tướng, hàng chục năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, song với sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, quyết tâm phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đưa Quảng Bình thay da đổi thịt với những thành tựu ngày nay.
“Những trăn trở, lo toan của Đại tướng đối với tỉnh từng bước được tháo gỡ, những lĩnh vực, địa bàn mà Đại tướng quan tâm, chỉ đạo đã có chuyển biến tích cực”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết.