Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào, Nguyễn Bá Hùng về quan hệ Lào-Việt, về ý nghĩa của chuyến thăm và triển vọng quan hệ của hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam - Lào trong thời gian qua?
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, tôi vui mừng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào vẫn tiếp tục được tăng cường, phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện là mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới. Xin nêu vài lĩnh vực cụ thể:
Quan hệ chính trị được củng cố sâu sắc hơn dựa trên sự tin cậy, gắn bó giữa hai Đảng, hai nước. Mặc dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bằng nhiều hình thức phong phú, trực tiếp và gián tiếp, nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith vào tháng 6/2021 và chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8/2021.
Trong hai chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước đã đưa ra những thông điệp hết sức quan trọng, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của hai nước trong việc thực hiện thành công đường lối đối ngoại mà Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, trong đó, hai bên khẳng định ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, phát triển lâu dài, hiệu quả, bền vững quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng được tăng cường phát triển sâu rộng, hiệu quả, tiếp tục là trụ cột vững chắc của quan hệ hai nước. Nổi bật trong năm 2021 là hai nước đã phối hợp tổ chức thành công chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của hai Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chương trình giao lưu đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, tạo sức lan tỏa rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường, gắn kết mối quan hệ vẻ vang của lực lượng vũ trang hai nước.
Hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục tiếp tục được củng cố ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Đặc biệt, các dự án kết nối hai nền kinh tế, kết nối giao thông vận tải, kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng tiếp tục được hai Chính phủ ưu tiên thúc đẩy và đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để hai nước triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Trong đó, kết quả nổi bật là Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nước bạn Lào có đường ra biển phục vụ cho phát triển kinh tế. Việt Nam cũng đang tích cực hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn hiện nay thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm bài học về các vấn đề kinh tế vĩ mô, xử lý các vấn đề phát triển… Mặc dù thông thương biên giới hai nước gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng khoảng 13-14%. Hợp tác về giáo dục, văn hóa tiếp tục được hai nước chú trọng, đạt chất lượng tốt hơn.
Năm 2021 cũng chứng kiến quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, quan hệ nhân dân giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, tăng cường. Song song với việc hợp tác thường xuyên, hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19, hai nước đang phối hợp triển khai các biện pháp thích ứng với cuộc sống “bình thường mới”, phục hồi kinh tế-xã hội của mỗi nước. Hợp tác giữa Lào và Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong tiếp tục được chú trọng, tăng cường phối hợp.
Thưa Đại sứ, trong những ngày tới, Thủ tướng Lào sẽ thăm chính thức Việt Nam, Đại sứ đánh giá thế nào về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm và triển vọng của quan hệ Việt Nam-Lào trong thời gian tới?
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Phankham Viphavan trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022. Ngoài việc góp phần tích cực trong xây dựng và củng cố quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Phankham Viphavan với các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam, chuyến thăm cho thấy sự nhất quán trong đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đồng thời thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và triển khai hiệu quả tuyên bố chung Việt Nam-Lào tháng 6/2021.
Đây cũng là chuyến thăm nghĩa tình, chứng minh quan hệ thủy chung, “có một không hai” đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào. Trong bối cảnh hai nước đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chuyến thăm khẳng định mạnh mẽ sự ủng hộ và ưu tiên cao của Lào đối với Việt Nam và chứng minh tình cảm chân thành Việt-Lào ngày càng được thắt chặt; những người đồng chí, anh em ngày càng hợp tác chặt chẽ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, song hành trên con đường phát triển. Với những ý nghĩa sâu sắc đó, chuyến thăm của Thủ tướng Phankham có những mục tiêu quan trọng như:
Thứ nhất, đây là thời điểm để lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức trong tình hình mới, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, chuyến thăm sẽ củng cố vững chắc quan hệ hai nước và tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trong năm 2022. Trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng sẽ đồng chủ trì Kỳ họp thứ 44 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào. Đây là cơ hội lãnh đạo hai nước trao đổi, để hiểu rõ hơn tình hình kinh tế-xã hội, định hướng phát triển, chủ trương đối ngoại của mỗi nước. Từ đó, hai bên sẽ thảo luận về các định hướng lớn, biện pháp đột phá nhằm tiếp tục đưa hợp tác Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Thứ ba, chuyến thăm cũng là sự kiện khởi động cho “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (5/9/1962) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977). Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động kỷ niệm những sự kiện trọng đại trong quan hệ Việt Nam-Lào nhằm truyền tải tinh thần, tình cảm hai dân tộc Việt Nam-Lào đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước và giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt, trong sáng Việt-Lào. Từ đó, nhân dân hai nước cũng sẽ nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng sống còn và trách nhiệm trong việc gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc.
Trong thời gian tới, Chính phủ, bộ ngành, địa phương hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hai bên đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030. Với việc Chính phủ Lào đang tích cực củng cố hành lang pháp lý, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và hàng hóa Lào có thể đi vào thị trường 100 triệu dân Việt Nam, cũng như đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam thẳng tiến ra biển theo tinh thần phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Kỳ họp đầu tiên Quốc hội Lào khóa IX, hợp tác kinh tế hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá, phát triển vượt bậc, phát huy được tiềm năng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thưa Đại sứ, dự kiến trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lào và Thủ tướng Việt Nam sẽ cùng phát động Năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam-Lào, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này và Việt Nam và Lào cần làm gì để thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng phức tạp như hiện nay?
60 năm trước, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt-Lào. Ngay sau khi giành được độc lập, với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Việt-Lào, ngày 18/7/1977, hai bên đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình cảm vô tư trong sáng, cam kết cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, hòa bình, phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, tạo tiền đề cho hàng loạt các thỏa thuận hợp tác toàn diện sau này.
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, đặc biệt là 45 năm thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, nhân dân hai nước có thể hoàn toàn tự hào về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào anh em, tài sản vô giá của hai dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam và Lào nương tựa vào nhau không phải chỉ vì đường biên giới chung hơn 2.300 km, không phải chỉ vì quan hệ gần gũi giữa hai dân tộc từ ngàn xưa hay chỉ vì hai nước cùng đi một con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà hơn hết, đó là mối quan hệ dựa trên sự tin cậy, thủy chung, vô tư trong sáng hiếm có, trên cơ sở sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, đề cao ý thức hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Hiện nay, tình hình chuyển biến nhanh chóng chưa từng có, khó lường, cùng với tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để mãi mãi duy trì Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đến muôn đời sau, không một thế lực nào có thể chia rẽ quan hệ hai nước như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, tôi cho rằng hai nước chúng ta cần tiếp tục sát cánh bên nhau, tăng cường hiệu quả hợp tác. Trước mắt, hai nước nên tập trung vào các ưu tiên sau:
Một là, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các Thỏa thuận cấp cao, đặc biệt, cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào cho mọi người dân.
Hai là, nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước bằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông-Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư, kinh doanh; giải quyết vướng mắc bằng các giải pháp đột phá; phát huy các mô hình hợp tác mới (ví dụ như hợp tác Việt Nam-Lào +1) để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.
Ba là, tập trung vào chất lượng, hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu về phát triển của mỗi nước, đồng thời, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Tôi tin rằng, hai nước sẽ tiếp tục sánh bước bên nhau phát triển giàu mạnh, tiếp tục củng cố và tăng cường hiệu quả quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.