Câu nói trên được in trang trọng trên trang bìa cuốn sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi”. Cuốn sách được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, ông Saadi Salama viết trong gần 5 năm, vừa được xuất bản trong những ngày đầu năm 2023.
Câu chuyện về Việt Nam của ông đến nay đã kéo dài hơn 42 năm và có lẽ sẽ kéo dài cho đến cuối đời như ông đã nói với chúng tôi: “Đến với Việt Nam để trở thành một người bản xứ, cho nên tình cảm của tôi với Việt Nam là mãi mãi chừng nào tôi còn sống”.
Cơ duyên
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt với giọng đặc trưng Hà Nội, nhiều lần Đại sứ Saadi Salama nhắc tới chữ “duyên”. Ông đến Việt Nam nhờ “cơ duyên”, ở lại và gắn bó với Việt Nam từng ấy thời gian cũng là nhờ chữ “duyên”.
Sinh ra tại tỉnh Hebron, miền Nam Palestine vào năm 1961, ngay từ khi còn nhỏ, hình ảnh một đất nước Việt Nam xa xôi, nhỏ bé và kiên cường đã ở trong trái tim và giấc mơ của không chỉ Saadi Salama mà còn của nhiều người Palestine khi đó. Năm 19 tuổi, ông bất ngờ nhận được học bổng đi du học.
Ông kể: “Ban đầu, tôi có cơ hội lựa chọn Italy và Romania. Thế nhưng vào thời điểm quyết định nhất trong cuộc đời, tôi bất ngờ nhận được lời mời từ phía Việt Nam, lập tức, những cái tên kia trở nên hết sức nhạt nhòa”.
Vị Đại sứ Palestine lý giải, khi đó ông khát khao muốn đến Việt Nam không phải để học tiếng Việt mà mục tiêu chính là tìm ra câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi mà cá nhân ông và rất nhiều người Palestine khi đó muốn biết về một dân tộc đã đi qua những chặng đường lịch sử vẻ vang, tạo ra hàng loạt kỳ tích, thắng lợi trên con đường xây dựng và bảo Tổ quốc của mình.
Lựa chọn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để học tập, ông đã trải qua một trong những thời kỳ gian khó nhất của Việt Nam, nhưng cũng nhờ thời gian này mà tình yêu của ông với đất nước và con người Việt Nam ngày càng sâu đậm.
Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…
Thế nhưng, cũng là cơ duyên, như ông nói, những cột mốc trong cuộc đời của ông đều gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua. Năm 1982 – 1983, ông là Bí thư phụ trách về thông tin của Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam. Năm 1989 - 1991, ông là Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam. Từ năm 2009 đến nay, là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Điểm lại quá trình công tác của ông mới thấy rõ, là cơ duyên đã đưa ông đến, đi và ở lại với Việt Nam. Ông viết: “Nhìn lại, tôi luôn cảm ơn cơ duyên đã đưa mình tới Việt Nam, cũng như đã biến hai chữ Việt Nam trở thành một phần quan trọng nhất trong cuộc đời của một chàng trai Palestine. Vì là cơ duyên nên dù xa Việt Nam năm năm hay mười bảy năm như đã từng xa, vùng đất ấy vẫn luôn được tôi đặt ở một vị trí thiêng liêng trong tâm khảm”.
Trở thành người Việt Nam từ trong suy nghĩ
“Tôi chưa bao giờ có một cảm giác tôi là một người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam. Tôi ứng xử, làm việc, suy nghĩ và giao lưu như một người bản xứ-một người Hà Nội. Điều đó tạo cho tôi một niềm tự hào rất lớn”, Đại sứ Saadi Salama đã cởi mở chia sẻ.
Ông cũng khẳng định, ông không phải là một vị khách chỉ đến Việt Nam làm việc một thời gian rồi đóng va li về nước. Ông đến với Việt Nam để trở thành một người như như dân bản xứ. Lẽ tất nhiên, như ông chia sẻ, ông là một người sinh ra và lớn lên ở Palestine. Đối với ông, Palestine là quê hương, nơi ông luôn đấu tranh, phục vụ cho lợi ích chung của dân tộc. Nhưng ông cũng có trách nhiệm với Việt Nam, do đó, khi gặp bất cứ ai ở Việt Nam, kể cả những người nước ngoài sinh sống ở đây, ông thể hiện một cách rõ ràng tình cảm của mình đối với đất nước và con người Việt Nam.
“Tôi luôn luôn coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của tôi, dành cho Việt Nam những tình cảm rất đặc biệt. Tôi cảm thấy tình cảm của tôi càng ngày càng tăng lên. Cho nên khi đã sống và làm việc ở đây, trách nhiệm của tôi không chỉ nằm ở việc tôi thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Palestine mà còn làm thế nào để quảng bá hình ảnh Việt Nam - một đất nước có nền văn hóa lâu đời, một dân tộc yêu chuộng hòa bình”, Đại sứ Saadi Salama nói.
Theo Đại sứ, rất nhiều bạn bè quốc tế dành tình yêu cho đất nước này. Do đó, thế hệ trẻ Việt Nam phải luôn tự hào về đất nước mình, về nền văn hóa, về lịch sử, sự hy sinh của ông cha mình - những người đã đổ máu để đất nước Việt Nam có được thành công như ngày hôm nay.
Dành thời gian gần 5 năm cho cuốn sách: “Câu chuyện Việt Nam của tôi”, Đại sứ Saadi Salama cho biết, cuốn sách chính là một món quà thể hiện tình cảm của ông đối với đất nước Việt Nam. Đây cũng là một cuốn sách giúp các bạn Việt Nam thấy được cái nhìn của một người nước ngoài về những đổi thay của đất nước Việt Nam.
Am hiểu tiếng Việt hơn cả người Việt
Đại sứ Saadi Salama là một trong số rất ít người nước ngoài am tường về tiếng Việt và văn hóa Việt. Ông luôn nhận được những câu hỏi của rất nhiều người nước ngoài rằng, tại sao một người đến từ vùng đất Palestine có khoảng cách địa lý rất xa xôi lại có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt đến vậy. Và ông thường trả lời rằng, để đam mê, yêu thích một ngôn ngữ nào, phải có một tình yêu đối với đất nước đó. Đó chính là động lực, cảm hứng để học, nghiên cứu, học, tìm hiểu về ngôn ngữ đó.
Đại sứ cho biết, ông là người may mắn khi được học tiếng Việt từ các thầy cô giáo luôn nhiệt tình, tận tâm; nhờ vậy, ông càng học lại càng thích tiếng Việt, càng muốn có thêm những cơ hội để giao lưu bằng thứ ngôn ngữ này. Ông không từ bỏ một cơ hội nào được trò chuyện, giao lưu với những người Việt. Ông kể, do nhà ở gần chợ Hôm nên đã nhiều năm nay, tuần nào ông cũng ghé qua chợ Hôm mua thực phẩm và trò chuyện cùng những người bán hàng ở đó.
Từ yêu tiếng Việt, ông cũng say mê cả các tác phẩm văn học của Việt Nam như Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, hay như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Chí Phèo” của Nam Cao…Ông cũng đã từng dịch cuốn “Điện Biên Phủ- Năm điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của tác giả Mai Trọng Tuấn và một số bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Ả rập để giới thiệu với đồng bào Palestine và các quốc gia Ả rập.
Theo Đại sứ Saadi Salama, ông đã tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh, từ đó hình thành nên kiến thức nền về Việt Nam. Nhờ vậy ông biết cách ứng xử với người Việt Nam với tư cách không chỉ là một vị đại sứ nước ngoài mà là một người am hiểu về văn hóa Việt. Tuy nhiên, điều này cũng khiến ông phải cẩn trọng hơn mỗi khi giao lưu với người dân Việt Nam để tránh gây ra sự thất thố không đáng có.
“Cho nên, hiểu văn hóa là một điều rất cần thiết để chúng ta ngày càng gắn bó và tìm được cho mình được một vị trí nhỏ trong trái tim những người bạn Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, cá nhân mình đã thành công”, Đại sứ Saadi Salama nói.
Cho rằng mình là người rất may mắn, được sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ giai đoạn khó khăn, trải qua những bước phát triển của đất nước này, Đại sứ mãi khắc sâu trong trí nhớ về thời kỳ bao cấp-giai đoạn khó khăn nhưng đầy vinh quang của đất nước Việt Nam. Khẳng định, dân tộc Việt Nam là một dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước, Đại sứ đánh giá cao lãnh đạo Việt Nam đã có tầm nhìn vững chắc để ứng phó với những thử thách mới khi thông qua những chính sách Đổi mới. Chính những chính sách này đã tạo điều kiện để có một Việt Nam như ngày hôm nay.
Một điều Đại sứ rất ấn tượng là quá trình hội nhập của Việt Nam, vừa tiếp thu những điều mới, vừa bảo vệ những nét văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam. “Việt Nam vẫn đi theo con đường riêng của mình và trên con đường đó Việt Nam luôn đem lại cho mình những thành quả rất tốt đẹp”, Đại sứ nhận xét. Lấy ví dụ trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, Đại sứ cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đã được cả thế giới công nhận về điều này. Một ví dụ nữa, mặc dù hệ thống tài chính thế giới đang gặp khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì ổn định mức lạm phát 3 %; GDP của Việt Nam trong năm 2023 đã tăng lên hơn 8%.
Tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trên con đường của mình, Đại sứ mong muốn, trong năm 2023 - năm kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Palestine - Việt Nam (1988 - 2023), sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa để nhân dân Việt Nam hiểu thêm về văn hóa, con người Palestine, đóng góp vào quá trình thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Palestine ngày càng tốt đẹp.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Đại sứ Saadi Salama cho biết, tháng 3 tới, bản dịch tiếng Anh cuốn sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi” sẽ được xuất bản để những độc giả người nước ngoài có thể hiểu thêm về đất nước Việt Nam thông qua cái nhìn một đại sứ nước ngoài có tình cảm lớn với Việt Nam.
Một dự án nữa là ông sẽ bắt đầu viết lại quyển sách này bằng thứ tiếng Ả Rập với mong muốn, thông qua cuốn sách, người Ả Rập sẽ có thêm hiểu biết về đất nước Việt Nam.
Quả thực, đúng như lời tựa cho cuốn sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi” do Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Cảm nhận của ông về con người và đất nước Việt Nam làm cho chính người Việt Nam nhận ra những vẻ đẹp mới trong văn hóa của xứ sở mình. Ông mang một cách nhìn từ một nền văn hóa khác, từ một vùng địa lý khác và từ một tôn giáo khác để làm cho Việt Nam hiện ra trong tinh thần mới mẻ”, cuộc trò chuyện với Đại sứ Saadi Salama khiến chúng tôi có cảm giác thân thuộc, gần gũi với một đất nước Việt Nam tươi mới, đầy ắp những nét đẹp. Có lẽ, chỉ có những người thực sự yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến vậy mới có thể mở ra được một ô cửa sổ mới ngay trong trái tim những người Việt Nam.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Đại sứ Saadi Salama lật giở trang cuối cùng của cuốn sách và nói với chúng tôi: “Đây là câu tôi luôn muốn nhắn nhủ tới những người dân Việt Nam: Cuộc sống đã và đang biến chuyển với rất nhiều thứ không còn như cũ, nhưng có một điều sẽ mãi mãi không bao giờ đổi thay, đó là, một phần trái tim tôi đã thuộc về Việt Nam”.