Về chính sách đối ngoại, bài viết đánh giá cao việc Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mở cửa, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế. Ngoại giao đã trở thành mặt trận quan trọng trong thời bình, góp phần đáng kể vào việc duy trì, bảo đảm môi trường hòa bình, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Về quốc phòng, bài viết nhận định Việt Nam luôn kiên định chính sách “ba không”. Với phương châm tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những hiệp định này giúp hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các nước và khu vực tăng mạnh.
Bài viết nhận định năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách ngoại giao đa phương. Cùng lúc đảm đương 2 trọng trách là Chủ tịch ASEAN (năm 2020) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), Việt Nam đang nỗ lực nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN và LHQ.
Về Biển Đông, bài báo cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã đánh giá đúng tình hình Biển Đông, có phản ứng mạnh mẽ và kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố chính sách nhất quán rằng: tất cả các tranh chấp quốc tế, bao gồm cả các tranh chấp ở Biển Đông, phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình như quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về kinh tế, bài báo nhận định kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực. Nhờ phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch COVID-19, triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn khả quan và “sáng” nhất trong các nước châu Á dù không tránh khỏi tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Báo Jerusalem Post nhận định nếu đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam có thể bảo vệ vị thế là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, tương tự việc trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực bước đầu chế ngự được COVID-19. Theo bài viết, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đương đầu với những thách thức từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hay những tác động tới thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Về quan hệ Việt Nam - Israel, bài viết nêu rõ năm 2020 đánh dấu 27 năm Việt Nam và Israel chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, giáo dục, công nghệ nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, chia sẻ kiến thức khởi nghiệp… Năm 2019, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Israel đạt gần 1.156 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 774 triệu USD và nhập khẩu đạt 382 triệu USD. Israel trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam ở Tây Á, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nửa đầu năm 2020, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 791 triệu USD. Hai bên bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại tự do từ cuối năm 2015. Đến nay, đàm phán đang đi vào giai đoạn cuối với kỳ vọng
Jerusalem Post kết luận Israel đang tích cực tìm kiếm quan hệ đối tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, và quan hệ với Việt Nam nói riêng đang trên đà phát triển. Chính sách “Xoay trục sang châu Á” của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang định hình và Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng.